Brian Tracy – một diễn giả và tác giả người Mỹ gốc Canada nổi tiếng với các chuyên đề về việc phát triển bản thân – nhận định rằng: “Giao tiếp là một kỹ năng, bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình”. Vì vậy, việc luyện tập, trau dồi kỹ năng thuyết trình là điều mà ai cũng có thể làm được nếu thật sự đầu tư nghiêm túc.
Nhiều người hiện nay đang rất coi nhẹ những kỹ năng mềm và bỏ qua nó. Điều đó làm mất đi rất nhiều cơ hội mà chính họ không ngờ đến. Bởi ngày nay, ngoài yếu tố chuyên môn, những kỹ năng như giao tiếp thuyết trình, kỹ năng tự học, làm việc nhóm góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá năng lực của một người nhân viên. Thậm chí có rất nhiều người đã nắm bắt cơ hội biến những kỹ năng tưởng chừng như dễ dàng này thành công việc và đam mê trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chinh phục được những kỹ năng này và trở nên nổi bật với nó.
Đặc biệt là với kỹ năng giao tiếp thuyết trình. Không thể tự tin đứng trên sân khấu trình bày một bài nói một cách hoàn hảo khi chúng ta chỉ là những tay ngang chưa qua rèn luyện và trau dồi nó một cách nghiêm túc. Rất dễ mắc sai lầm và biến phần thuyết trình trở thành trò cười nếu người nói không tập trung và chú ý những điểm quan trọng để bài nói thu hút và thuyết phục hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta cần phải làm gì để cải thiện khả năng ăn nói và thuyết trình trước đám đông?
1. Gạt bỏ rào cản tâm lý
Ngại ngùng, tự ti, lo lắng, … là những biểu hiện tâm lý vô cùng bình thường đối với những người mới bắt đầu thử thuyết trình. Tuy nhiên nếu không thể bỏ qua những rào cản tinh thần này thì sẽ rất khó có được một phần trình bày tự nhiên và hoàn hảo. Việc Biến từ cảm giác ngại ngùng sang tự tin trong giao tiếp thuyết trình không phải là điều đơn giản, mà đó là cả quá trình dài trau dồi và rèn luyện. Các nhà diễn giả, người nổi tiếng như Jack Ma, Warren Buffett khi xưa cũng từng phải đối mặt với cảm giác lo lắng sợ hãi khi đứng trước nhiều người. Nhưng họ đã nhận ra rằng nếu cứ mãi ngại ngùng như thế thì sau này làm sao đối mặt với các thử thách khó hơn được. Và bài trình bày sẽ chẳng thể đi đến đâu nếu họ cứ mắc kẹt trong những nỗi sợ tâm lý ấy.
Sự thay đổi suy nghĩ, hành động cố gắng rèn luyện từ từ để không còn ngại nói trước đám đông đã giúp những người nổi tiếng đó thành công trong lĩnh vực diễn giả. Rất nhiều người nghe đã bị họ làm cho khâm phục bởi sự tự tin, phong thái trình bày thu hút và hấp dẫn. Đối với những người mới bắt đầu thuyết trình, sẽ có nhiều khó khăn nhưng mọi thứ rồi sẽ ổn nếu chúng ta cố gắng hơn mỗi ngày, Một bí quyết nhỏ cho đó là khi nào run quá hoặc lỡ quên bài thì hãy dừng lại, im lặng đôi chút chứ đừng nói “à, ờ,…” nhé. Đây cũng chính là điều đầu tiên cần lưu ý để nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân.
2. Đầu tư về mặt nội dung
Để một phần thuyết trình thành công, phần nội dung bài nói phải được đầu tư chu đáo và bài bản. Nếu không chuẩn bị tốt về mặt kiến thức, câu chuyện sẽ thiếu thuyết phục và gây nhàm chán cho khán giả. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một nhà diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình, theo cách dễ hiểu và ấn tượng nhất, thôi thúc hành động và sự suy tư cho khán giả”. Bởi thuyết trình không phải chỉ đứng nói thuộc lòng về những điều mình đã viết mà phải thực sự thấu hiểu và cảm nhận nó theo cách riêng, sau đó sử dụng ngôn ngữ của bản thân để truyền tải đến người nghe. Tốt nhất hãy viết ra toàn bộ bài thuyết trình của mình, phần này sẽ nói câu gì, phần kia sẽ đặt câu hỏi nào cho người nghe, luyện tập và thấu hiểu nó thật kỹ lưỡng, biến nó trở thành kiến thức của chính mình để tăng thêm sự tự nhiên và thuyết phục khi nói,… Hãy cố gắng viết ra một cách chi tiết nhất, dự đoán trước các tình huống, các câu hỏi có thể được đưa ra và chuẩn bị trước cách ứng xử và trả lời các câu hỏi ấy.
Nếu không chuẩn bị tốt về mặt kiến thức, câu chuyện sẽ thiếu thuyết phục và gây nhàm chán.
3. Sử dụng Powerpoint như một trợ thủ
Slide thuyết trình chính là người bạn đồng hành, quyết định không nhỏ đến thành công của buổi thuyết trình. Nó giúp người nghe dễ dàng hình dung và hiểu được nội dung đang trình bày. Việc tạo một chiếc slide thuyết trình không chỉ dừng lại ở việc tạo hiệu ứng và chèn chữ mà chúng ta còn có thể áp dụng nhiều cách để phần trình chiếu đạt hiệu quả cao hơn
Một số lưu ý có thể giúp chúng ta trình bày slide hiệu quả hơn chính là:
- Thống nhất một màu sắc chủ đạo
- Không chèn quá nhiều chữ vào cùng một slide
- Size chữ từ 24 – 28
- Chèn vào các hình ảnh, biểu đồ, video minh hoạ.
4. Tập dợt kỹ lưỡng
Khi đã chuẩn bị xong nội dung và slide, cần phải tập dợt bài thuyết trình và căn chỉnh thời gian cho phù hợp. Sự luyện tập không chỉ nâng cao khả năng mà còn tạo thêm cảm giác tự tin, gỡ bỏ những tâm lý lo sợ, ngại ngùng. Thêm đó, chúng ta cũng sẽ biết được thời gian chính xác của bài nói để có sự điều chỉnh cho phù hợp và kiểm soát tốt hơn khi đứng trên sân khấu. Sau này đi làm, các buổi họp để thuyết trình ý tưởng cũng có sự tham gia của rất nhiều người, đặc biệt là cấp lãnh đạo, thời gian của họ rất quý báu nên bài nói phải có thời lượng vừa đủ để cân bằng, tránh gây nhàm chán, buồn ngủ.
Bên cạnh thời lượng. chúng ta cũng cần lưu ý sự ăn khớp của nội dung mà mình nói với slide mình chiếu lên màn hình, tránh tình trạng nói một đằng mà slide một nẻo, sẽ gây phản cảm lớn cho người xem. Đồng thời, hãy chuẩn bị trước các câu hỏi có thể đặt ra để hỏi người nghe xuyên suốt buổi thuyết trình. Nhờ vậy chúng ta sẽ nắm được rằng người bên dưới có hiểu nội dung mình đang trình bày hay không và khiến họ phải tập trung, chú ý vào phần thuyết trình mình nhiều hơn.
Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh