Chuyên gia Nguyễn Phi Vân được biết đến là một nhà đầu tư, cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia, tác giả và diễn giả ngành bán lẻ và nhượng quyền quốc tế. Trong gần 30 năm qua, doanh nhân Nguyễn Phi Vân đã đặt chân đến hơn 60 quốc gia trên thế giới và kết nối nhượng quyền cho rất nhiều thương hiệu, nhãn hàng lớn, nhỏ khác nhau. Ngoài ra, bà đã từng đạt giải thưởng quốc tế 2015 về Lãnh đạo xuất sắc ngành bán lẻ của hiệp hội bán lẻ toàn cầu, giải thưởng 2017 & 2018 100 lãnh đạo xuất sắc ngành bán lẻ toàn cầu, và giải thưởng Doanh nhân ASEAN xuất sắc 2019, và lọt vào Tốp 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong ngành nhượng quyền toàn cầu năm 2019 & 2020.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Phi Vân về kỹ năng Giao tiếp: “Giao tiếp là thứ không thể thiếu trong bất kỳ việc gì bạn làm, dù là trong nhà hay ra ngoài đời, chốn công sở hay ngoài xã hội. Cho đến những công việc cần ít tương tác nhất cũng cần giao tiếp, vì không ai có thể làm việc, sinh hoạt, đi hết hành trình cuộc sống này một mình mãi được. Trước sau gì, dù làm nghề nghiệp gì, dù ở đâu hay mong muốn điểm đến thế nào thì bạn cũng cần giao tiếp. Đặc biệt là trong thời thế lên ngôi của mạng xã hội, khi thông tin đa chiều có thể xuất hiện từ mọi ngả đường, khi mỗi cá nhân trở thành một toà soạn, một kênh phát thanh truyền hình đôi khi còn hiệu quả hơn kênh chính thống, thì giao tiếp lại càng trở nên quan trọng. Nếu thiếu đi kỹ năng này, chắc chắn bạn khó mà làm việc và phát triển trong sự nghiệp, chắc chắn không thể dẫn dắt đội nhóm, không thể làm lãnh đạo, và đương nhiên vì vậy mà không thể thành công. Chuyện nhỏ mình giao tiếp không xong thì chuyện lớn, chuyện phức tạp và đòi hỏi nhiều người tham gia, cộng tác, làm sao mình xử lý cho nổi?
Cho nên, làm gì làm, nghề gì nghề, công việc chức danh ra sao ra, làm gì cũng phải học và rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho thiệt là xuất sắc. Có kỹ năng này, bảo đảm con đường tiến thân của bạn sẽ suôn mượt hơn người ta gấp vạn lần, mở ra nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn thênh thang hơn. Có điều, giao tiếp là làm gì, là phải như nào thì không phải ai cũng hiểu, cũng biết tường tận để mà rèn luyện. Giờ, mình chia sẻ với nhau vài điều cơ bản, dễ học dễ ứng dụng trước nhé.
Muốn giao tiếp hiệu quả, trước hết phải lắng nghe tích cực
Không ai người ta nói gì không nghe mà giao tiếp được hết. Người ta nói mình không nghe thì làm sao mình biết người ta đang nói gì? Rồi người ta nói gì mình không biết thì mình trả lời trả vốn ra sao? Rồi mình kết nối và tiếp nối câu chuyện đó, luận điểm đó thế nào? Cho nên, muốn nói tốt thì phải nghe giỏi. Nghe đã, nghe cho kỹ, cho rõ, cho thật tường tận đi rồi từ từ bàn luận. Cứ từ từ bình tĩnh không ai đi đâu mất cũng không việc gì biến mất đi đâu mà vội. Chớ không nghe hoặc nghe qua loa, lơ mơ, đầu được đuôi mất thì những gì mình trao đổi tiếp theo nó không đầy đủ, lệch hướng, thậm chí lạc đề thì mất mặt lắm. Người chuyên nghiệp không ai làm thế. Hãy cứ để đầu óc thật mở, lắng nghe tích cực không phán xét, ghi nhận thông tin khách quan, đầy đủ, đúng bản chất thông điệp được truyền đi, không cho phép thành kiến của mình nó thêm mắm dặm muối vào. Chỉ khi ta ghi nhận mọi thông tin đầu vào khách quan thì mình mới đánh giá đúng và khách quan bản chất vấn đề để đưa ra giải pháp phù hợp.
Tránh một chuyện mà nhiều người Việt Nam hay mắc phải nè, là nghe phản vệ, nghĩa là tưởng như nghe nhưng trên thực tế là vừa nghe vừa tìm cách defend – phòng thủ, nghĩ cách biện minh biện hộ, trả lời hay đổ thừa vì sợ vạ lây, sợ trách nhiệm, sợ liên quan. Chưa nghe hết, nghe xong đã tìm cách trả trớt thì làm sao nghe cho hết, nghe cho đúng những gì người ta đang nói? Có khi, chẳng ai có ý liên luỵ gì tới bạn, nhưng vì bạn nghe không tới, không đủ nên chưa chi đã nghĩ ra cách này chuyện kia phòng thủ, làm cho mình mệt thêm chớ chẳng được tích sự gì. Thành ra, hoãn cái chuyện suy nghĩ lung tung, nghĩ quá sức lại một chút, chịu khó lần nghe tích cực một chút đã nhé. Rồi bạn sẽ thấy mọi chuyện không quá khó khăn và phức tạp như bạn tưởng tượng đâu. Vậy, thì tránh được bao chuyện phiền toái không cần thiết, chỉ bằng cách lắng nghe tích cực.
Giao tiếp vô ngôn
Giao tiếp không đồng nghĩa với lời nói. Lời nói chỉ là 1 trong những kênh giao tiếp, và chỉ chiếm đâu đó 25% nội dung giao tiếp. Lời nói thì có thể fake được, nói vậy nhưng không nghĩ vậy, nói cho hài lòng ai đó dù bản thân nghĩ khác, nói dối nói sai để được lợi ích cho bản thân, vv. Cho nên, lời nói không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thật. Tuy nhiên, giao tiếp vô ngôn như cử chỉ, thái độ, biểu hiện, ngôn ngữ hình thể thì không dối lừa được ai. Đương nhiên cũng có nhiều đại ca tu luyện đến level master thì vẫn có thể lừa được người khác, nhưng cũng không bao giờ 100%. Đâu đó trong tiềm thức, khi bạn nghĩ vậy, cảm nhận vậy, hoặc suy nghĩ và cảm nhận đi ngược lại với lời nói và hành động thì, cơ thể sẽ luôn luôn lên tiếng. Ví dụ như khi nói dối, không nói sự thật thì người ta hay nhìn chỗ khác, không dám nhìn thẳng, mắt đảo liên tục, tay chân có thể có những cử chỉ dư thừa, lo lắng, vv. Nghe lời nói, nhìn ngôn ngữ hình thể khác nhau thì mình biết là đang có vấn đề, và thứ người ta đang nói có thể không phải là thứ mà họ thật sự nghĩ.
Quan sát người đối diện thì như vậy, cũng từ đó nên rút ra bài học cho bản thân, để khi biết là khi giao tiếp mình cần match – kết nối giữa thông điệp, lời nói và ngôn ngữ hình thể. Đừng tưởng mình nói sai, nói dối mà người ta không nhận ra. Lời bạn nói khi nó không đi cùng giao tiếp vô ngôn thì người tinh tế, giao tiếp giỏi người ta sẽ nhận ra ngay, đừng cố quá thành quá cố. Tốt nhất là nói đúng, nói thật, có thể cách diễn giải và trình bày khác nhau cho phù hợp hoàn cảnh, nhưng luôn luôn dựa trên thông tin và dữ liệu đúng.
Đơn giản thôi, đừng đao to búa lớn
Mình nói là để làm gì mọi người? Để người khác nghe, hiểu, đồng tình và hợp tác với mình đúng hôn? Nếu thế thì mình nói sao cho nó dễ hiểu nhất, dễ hình dung nhất, dễ thực hiện nhất đi để người ta còn giúp mình, hợp tác làm việc cùng mình. Chớ nói tùm lùm tán loạn, lời lẽ hoa mỹ đao to búa lớn để làm gì cho người ta không hiểu, mà không hiểu thì nghe xong không biết phải làm sao tiếp theo, có phải phí sức phí công bạn nói hay không? Trừ phi bạn thích nói cho người ta nghe không hiểu chơi, cho người ta confused – bối rối chơi vì đó là ý định của bạn thì thôi miễn bàn. Còn lại, nếu đã nói vì muốn người ta hiểu thì làm ơn hết sức đơn giản, càng đơn giản dễ hiểu càng tốt, ngôn ngữ càng nông dân dễ hiểu càng hiệu quả.
Đỉnh cao của sự tinh tế là tận cùng của sự đơn giản là như thế. Người càng giỏi, càng hiểu biết thông thái người ta nói chuyện càng đơn giản dễ hiểu. Người nửa vời lơ mơ lại hay tung hoả mù, nói chuyện hàn lâm vĩ mô cho người khác sợ, khiến người nghe tưởng họ giỏi, nghĩ mình dốt vì nghe xong chẳng hiểu gì. Loại đó trên đời cũng nhiều lắm, cho nên gặp thì phải nhận ra, và quan trọng là đừng bao giờ trở thành họ. Người giao tiếp giỏi luôn nghĩ ra cách nói cho nó dễ hiểu hơn, đơn giản hơn. Cũng là một chuyện đó, một thông điệp đó, nhưng qua mỗi lần trình bày họ lại rút kinh nghiệm để tìm ra cách trình bày dễ hiểu và đơn giản hơn lần sau, và cứ như vậy mà cải tiến mãi không bao giờ dừng lại.
Ghi nhận phản hồi tích cực
Ai người ta phản hồi kiểu tấn công thì mình chặn ngay, nhưng nếu người ta phản hồi tích cực, có tinh thần xây dựng muốn tốt cho mình thì nên biết lắng nghe và ghi nhận. Đâu ai trên đời này cái gì cũng giỏi. Giỏi hết, tốt hết thì tự làm một mình đi giao tiếp tương tác làm gì. Cho nên, cùng một sự việc, mỗi người có góc nhìn khác nhau, mỗi người có đóng góp khác nhau. Chính sự đa dạng và khác biệt đó tạo nên sự sáng tạo và phát triển. Phản hồi tích cực và xây dựng thật ra là những đóng góp to lớn cho sự tiến bộ, cho lợi ích của chính bạn. Vậy thì nhận liền tay chứ tránh né chi? Càng biết tiếp thu và ghi nhận ý kiến đóng góp của người khác, bạn sẽ càng có nhiều góc nhìn đa dạng hơn về việc mình đang làm, vậy thì bạn càng dễ thành công và hiệu quả.
Hỏi mình, trước giờ mình có ghi nhận phản hồi tích cực chưa? Hay mình không thích người ta ý kiến về chuyện mình đang làm vì mình sợ nhận ý kiến trái chiều hay chưa tốt? Mình có hay phản vệ khi người ta đóng góp ý kiến, chưa nghe hết đã biện minh này nọ không? Thành thật với bản thân đi, ai mà chẳng có lúc như vậy, và có người còn nhiều nữa là đằng khác. Nếu có thì mình sửa thôi chứ có sao đâu, vì chuyện này nó tốt cho mình mà, dại gì mà không dụng?
Phát triển ngôn từ
Nói mà muốn hay, muốn truyền đạt tốt, muốn người ta thích thú và ủng hộ, hợp tác thì cũng phải có vũ khí chứ không phải nói sao cũng được nhe. Vũ khí đó ngoài cách bạn thể hiện còn là ngôn từ bạn sử dụng. Cũng là diễn đạt một ý nhưng hoàn cảnh khác nhau cần sử dụng ngôn từ khác nhau, người nghe background khác nhau thì ngôn từ sử dụng cũng phải khác nhau. Có khi mình cần nghiêm túc, chuyên nghiệp. Có khi mình cần gần gũi, dân dã. Có khi cần nhiều cảm xúc, thăng hoa. Có khi chỉ cần đối thoại đời thường, nhẹ nhàng, thoải mái. Mỗi môi trường, mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng, dù cùng chung một thông điệp nhưng lại cần sử dụng ngôn từ rất khác nhau. Do đó, đừng có bốn cũ soạn lại, một bài ghi âm cho cả thế gian thì sẽ khó mà chạm vào trái tim của người đối thoại.
Mà muốn ngôn từ linh hoạt, phong phú, đúng cảnh đúng thời thì phải học chứ không phải tự nhiên mà có. Học ở đâu? Đương nhiên là học từ sách, từ blog, từ các trang mạng chính thống, từ những người có kỹ năng giao tiếp giỏi. Phải trau dồi, vận dụng, vừa học vừa rèn thì một thời gian sau mình mới giỏi được. Thứ gì cũng vậy, không chăm chỉ rèn luyện thì không thể master.
Kỹ năng kể chuyện – Storytelling
Đời này ai cũng thích nghe kể chuyện hết, và kể chuyện là một kỹ năng nha. Nếu có kỹ năng này, bạn sẽ dễ dàng dẫn dắt câu chuyện, tạo sự thích thú cho người nghe, tạo sự cuốn hút cho người theo dõi, và cuối cùng là tạo được cảm xúc cần có trong giao tiếp. Kỹ năng kể chuyện vô cùng lợi hại và ngày càng trở nên lợi hại hơn trong cuộc lên ngôi của thế giới trực tuyến. Cho nên, thứ này cần phải học, phải rèn luyện, phải cải tiến mỗi ngày mới được. Kỹ năng này bạn có thể lên các nền tảng mở học miễn phí nhưng phải biết tiếng Anh, ví dụ trên Khan Academy là chắc chắn có luôn, mà còn do các chuyên gia của Pixar dạy mới ghê, không học uổng cả đời.
Cho nên, chỉ là mình có muốn hay không mà thôi. Nếu đã muốn thì thế nào cũng có cách, đừng đổ thừa đổ tháo gì hết nha.
Cuối cùng, là rèn luyện cho đến khi bạn thành master về giao tiếp. Cái gì cũng vậy, làm hoài, làm hoài, thành thói quen, ăn vào máu thì thành master thôi chớ chẳng có gì là ghê gớm hết. Vậy đi ha. Đừng quên đây là kỹ năng cơ bản. Thiếu nó thì tương tác và giao tiếp xã hội đã khó khăn, đừng nói gì đến thành công đồ hén.”
[Bí mật mà Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chưa tiết lộ cho bạn biết: Kỹ năng Giao tiếp không phải là kỹ năng có thể luyện tập được chỉ thông qua việc đọc sách, mà cần luyện tập liên tục, có quan sát, nhận thức hoặc được hướng dẫn để chỉnh sửa, tiếp thu.]
- Học viện Kỹ năng VTALK là Hệ sinh thái Giáo dục chuyên đào tạo kỹ năng giao tiếp, thuyết trình ứng dụng có giáo trình chuyên sâu đầu tiên và bài bản nhất tại Việt Nam, dành cho học sinh từ 12-23 tuổi.
Không phải ai cũng có cơ hội được đứng trên sân khấu. Không phải ai cũng đủ dũng khí nói ra quan điểm của mình. Nhưng tệ hơn là khi bạn đã lấy hết can đảm để chia sẻ nhưng lại không trình bày được trọn vẹn.
[Học viện Kỹ năng VTALK với giáo trình giúp Phát triển tư duy ngôn ngữ và trí Thông minh cảm xúc (EQ), giúp học viên ứng dụng ngay kỹ năng Giao tiếp – Thuyết trình vào từng môn học và các tình huống giao tiếp trong cuộc sống.]