Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ có thể tự tin đứng trên sân khấu thuyết trình như một diễn giả chuyên nghiệp nhưng lại chẳng thể có một buổi nói chuyện trọn vẹn với chính cha mẹ của mình – những khán giả tưởng chừng như quen thuộc nhất.
Thuyết trình là kỹ năng mềm quan trọng buộc phải có để tồn tại, bởi đó là cách nhanh nhất để trình bày quan điểm của mình với người khác. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ có khả năng chia sẻ rất ấn tượng trước hàng trăm khán giả, nhưng lại chẳng thể bày tỏ suy nghĩ với chính cha mẹ của mình, thậm chí sau đó còn dẫn đến các cuộc tranh cãi căng thẳng.
Những buổi thuyết trình không kịch bản
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các sự việc đáng buồn trong gia đình là vì thuyết trình trên sân khấu dễ hơn chia sẻ với cha mẹ. Bởi những bài diễn thuyết đa phần đều dựa theo nội dung đã được biên soạn công phu và việc của các diễn giả trẻ chỉ đơn thuần là nói ra các câu từ viết sẵn, thậm chí họ còn cố gắng học thuộc lòng để bài diễn thuyết được trơn tru, hoàn hảo hơn.
Mặc khác, nói chuyện với cha mẹ là “buổi thuyết trình” chẳng theo một kịch bản nào, tất cả đều là những suy nghĩ nhất thời bị tác động mạnh mẽ bởi sự rối loạn cảm xúc. Tâm lý nhạy cảm ở độ tuổi dậy thì dễ khiến trẻ có phản ứng thái quá với mọi thứ xung quanh, đặc biệt là sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai thế hệ khiến con cái mất kiên nhẫn với những lời dạy dỗ, thậm chí là sự quan tâm của cha mẹ. Vì thế, nhiều lúc con sẽ không thể kiểm soát được điều mình nói ra, vô tình gây tổn thương cho các bậc phụ huynh và làm cho tình huống trở nên tồi tệ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Thuyết trình không phải là đứng trên sân khấu thao thao bất tuyệt. Thuyết trình là cách luận giải những điều khó hiểu thành ngôn ngữ phổ thông, là việc thuyết phục người khác thay đổi hệ tư tưởng mà họ luôn bảo vệ, là nghệ thuật giao tiếp trong mọi tình huống trong cuộc sống hàng ngày”. Chính vì thế, thuyết trình không phải là những buổi biểu diễn cần phải chuẩn bị trước cả tháng mà đôi khi chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện với mọi người xung quanh, là cách chúng ta bày tỏ quan điểm của mình trong những lúc giao tiếp thường nhật.
Vậy giao tiếp chính là tiền đề của thuyết trình nhưng tại sao nhiều bạn trẻ có thể hoàn thành một bài diễn thuyết hùng hồn trước hàng trăm khán giả lại chẳng thể nói chuyện với hai người thân thuộc nhất trong cuộc đời của mình. Kịch bản lúc này không phải lý do bởi ta chỉ đang nói ra những suy nghĩ của bản thân với cha mẹ, tâm sự với phụ huynh về các quan điểm trong cuộc sống, để gia đình thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn. Sự chân thành và mong muốn được chia sẻ của con cái với cha mẹ mới là những yếu tố cần thiết để buổi nói chuyện được diễn ra tốt đẹp chứ không phải một bài diễn văn được biên soạn kỹ càng.
Nhiều diễn giả nhưng không có ai lắng nghe
Lý do các bạn trẻ đưa ra cho việc mình không muốn trò chuyện cùng với cha mẹ là vì các bậc phụ huynh không cho họ quyền được nói. Cha mẹ đã tước đi quyền được bày tỏ quan điểm của những đứa trẻ bằng cách chẳng chịu lắng nghe chúng. Thay vào đó, họ giành lấy “sân khấu” của con và bắt đầu thao thao bất tuyệt về những đạo lý, luật lệ, những điều hay lẽ phải mà cha mẹ muốn trẻ phải làm theo.
Tâm lý muốn chiến thắng khiến con cái gào lên với cha mẹ để bảo vệ quan điểm
Tệ hơn, cái tôi, khoảng cách thế hệ và định kiến về việc con cái chỉ là những đứa nhỏ cần được người lớn dạy dỗ khiến cha mẹ chưa một lần thực sự đứng ở vai trò người nghe để bình tĩnh tiếp nhận suy nghĩ thực sự của con. Nhiều lúc, cha mẹ tưởng rằng mình đang lắng nghe nhưng thật ra đó chỉ là suy nghĩ của họ, và thực tế các bậc phụ huynh chỉ cố áp đặt tư tưởng bản thân lên con, dùng những trải nghiệm trong quá khứ để gạt bỏ đi hết các quan điểm của con. Dẫu điều này xuất phát từ tình yêu thương nhưng nó lại khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy khó chịu và nảy sinh tâm lý phản kháng.
Hiện thực ngày nay cho thấy những đứa trẻ sẽ chẳng chịu ngồi yên lắng nghe, chúng sẵn sàng vùng lên thể hiện quan điểm. Chính tâm lý luôn muốn khẳng định bản thân, muốn chiến thắng để chứng tỏ rằng con nay đã lớn khiến trẻ dốc hết sức hét lên với cha mẹ, hy vọng cha mẹ có thể một lần nghe thấy sự phẫn nộ đang bùng cháy trong lòng. Buổi thuyết trình giờ đây sẽ trở thành một cuộc “tranh giành micro” của những diễn giả, chẳng ai nhường ai và cũng chẳng ai chịu nghe ai.
Thiếu đi sự lắng nghe nghĩa là hai bên đang không cho nhau cơ hội để thấu hiểu, và buổi nói chuyện sẽ không còn hiệu quả dù cho mọi người có cố gắng đưa ra nhiều thông tin đến mức độ nào đi nữa.
Hòa hợp để cùng nhau tỏa sáng
Vậy phải làm sao để buổi nói chuyện giữa cha mẹ với con cái cũng thành công như những màn trình diễn trên sân khấu? Làm sao để con trẻ cũng có thể tự tin trình bày suy nghĩ của bản thân với gia đình giống như cách mà chúng bảo vệ quan điểm của mình trước nhiều người lạ khác? Điều đó cần sự nỗ lực đến từ cả hai phía cha mẹ và con cái.
Cha mẹ phải chủ động trở thành khán giả của con.
Chính cha mẹ phải chủ động trở thành khán giả của con, cho trẻ không gian thể hiện mình theo cách riêng của chúng. Đừng giành lấy micro cũng đừng cố nói thật nhiều đạo lý lúc này. Hãy kiên nhẫn lắng nghe những gì con nói, để con được làm chủ hoàn toàn sân khấu của mình, khuyến khích con chia sẻ câu chuyện và tuyệt đối đừng lấy danh nghĩa là người lớn để ngắt lời giữa chừng khiến cho trẻ bị mất hứng.
Khi nhìn thấy cha mẹ nỗ lực lắng nghe, con trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và thoải mái hơn trong việc chia sẻ suy nghĩ của mình. Con cũng sẽ bình tĩnh để không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực nhất thời mà vô tình nói ra những lời gây tổn thương vượt quá giới hạn. Bầu không khí lúc này sẽ nhẹ nhàng hơn để cả gia đình cùng nhau tâm sự về những câu chuyện trong cuộc sống.
Có nhiều lý do khiến các diễn giả trẻ ngày nay gặp khó khăn trong việc giao tiếp với cha mẹ trong khi họ dễ dàng đứng thuyết trình trước hàng trăm người. Hiện tượng “bụt nhà không thiêng” này sẽ chẳng thể biến mất nếu cả cha mẹ và con cái không nỗ lực, kiên nhẫn thấu hiểu nhau, cùng nhau hòa hợp để ngôi nhà trở thành sân khấu giúp con tỏa sáng.
Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh