Thời đại internet thịnh vượng đến mức, con người cảm tưởng như được nắm cả thế giới trong một chiếc smartphone bỏ túi. Vậy tại sao nhiều bạn học sinh vẫn đang loay hoay với vô vàn rắc rối trong việc tìm kiếm thông tin và viết nội dung cho bài thuyết trình, dù các bạn có đủ mọi thiết bị truy cập internet. Chẳng hạn như việc nguồn thông tin quá đại trà, không có điểm nhấn, không có sự sáng tạo và mới mẻ. Hoặc rất nhiều lần các bạn không thể tìm thấy chính xác những thông tin phục vụ trực tiếp cho chủ đề thuyết trình của mình trên internet.
Quá trình hoàn thành nội dung cho một bài nói của nhiều bạn học sinh đôi khi mất đến nhiều tuần liền. Đó là chưa kể, hiệu quả và chất lượng nguồn thông tin được tìm kiếm hầu như không cao. Một bài thuyết trình hay, trọn vẹn phải cung cấp được kiến thức nền về chủ đề trình bày, xâu chuỗi được các dẫn chứng liên quan và quan trọng là biết kết nối và mở rộng ra các vấn đề trong thực tế đời sống. Chính vì thế, việc chỉ chăm chăm tìm kiếm một vài thông tin mang tính học thuật riêng về chủ đề thuyết trình là không đủ.
Đó là lý do mà Leonardo Dicaprio – một diễn giả nổi tiếng trong các hoạt động vì môi trường của Mỹ, khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, ông không tập trung quá nhiều vào việc mô phỏng lại nỗi đau của mẹ thiên nhiên hiện tại nhằm kêu gọi sự hành động của con người trên thế giới. Ông bắt đầu nói về lịch sử loài người, về những thảm họa khủng khiếp trong quá khứ với biết bao tổn thất không thể cứu vãn. Và khi nói về môi trường, ông cung cấp hàng loạt số liệu dẫn chứng đầy khoa học về cuộc chiến carbon, về năng lượng tái tạo sạch… Một bài nói đầy đủ, khoa học và thiết thực như thế, làm sao khán giả có thể phớt lờ! Ông chinh phục người nghe một cách tuyệt đối bằng chính sự am hiểu và bằng lượng thông tin vô cùng thuyết phục của mình.
Và để xây dựng một bài thuyết trình hoàn hảo như vậy thì việc tìm kiếm thông tin nhất định không thể chỉ phó thác cho internet.
Internet không phẳng
Chỉ với 0.2 giây cho một lần tìm kiếm, internet có thể trả về cho chúng ta hàng trăm triệu những bài viết, hình ảnh, video hoặc thậm chí là địa chỉ chính xác về các nơi liên quan. Tốc độ khủng khiếp cùng sự vượt trội trong công nghệ tìm kiếm đã tạo cho chúng ta thói quen và tâm thế mặc định, rằng internet có tất cả mọi thứ chúng ta cần. Một cách vô thức, con người dần phụ thuộc vào các nền tảng tìm kiếm để chọn lọc và xây dựng bộ khung kiến thức cho mình.
Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng bách phát bách trúng như thế. Kho tàng kiến thức trên internet là vô tận, tuy nhiên, internet chung quy cũng là nền tảng công nghệ, vốn hoạt động theo sự lập trình cho sẵn và thường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng chính những kiến thức cũ trong kho lưu trữ. Với một số chủ đề phổ biến và có tính thời đại cao, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm thông tin bổ trợ chỉ qua vài lần nhập từ khóa tìm kiếm. Nhưng với những vấn đề “ngách”, những đề tài mới hoặc các khía cạnh ít người khai thác, chúng ta dần nhận thấy sự “bối rối” rất rõ ràng của internet.
Giả sử khi bạn bắt đầu tìm kiếm thông tin về “Cách thuyết trình cho người mới bắt đầu”, bạn nhập chính dòng yêu cầu này vào công cụ tìm kiếm của Google. Chưa đầy 1 giây sau, chúng ta có hơn 26 triệu kết quả được hiển thị. Nhưng nhìn xem, kết quả chúng ta nhận lại là gì: “15 cách mở đầu bài thuyết trình ấn tượng mạnh mẽ nhất”; “Kỹ năng thuyết trình trước đám đông”; “Phương pháp rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông”… Vậy vấn đề chính mà chúng ta cần khai thác là cách thuyết trình cho người mới bắt đầu thì lại không có một nguồn thông tin giá trị cụ thể nào. Điều đó chứng tỏ, internet vốn không phẳng, không đơn giản chỉ nhập tìm kiếm là sẽ ra đúng kết quả chúng ta muốn. Chúng ta cần phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin để có thể len lỏi và tận dụng mọi ngóc ngách không phô bày trực diện của internet.
Phải là người tìm kiếm thông minh
Thật không may là internet không phẳng cho tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề hay mọi cách thức tìm kiếm thông tin. Vì thế bạn buộc phải là một người tìm kiếm thông minh nếu muốn khai thác triệt để sức mạnh từ kho lưu trữ tri thức khổng lồ này.
Có một quy tắc ngầm mà mọi nguồn thông tin khi được cung cấp lên internet đều tuân thủ, đó làtừ khóa (keyword). Không cần biết bài viết của anh dài ngắn ra sao, hay dở thế nào, điều đầu tiên anh cần tuân thủ là phải xác định được nhóm từ khóa cho bài viết của mình. Từ khóa giúp Google khoanh vùng được phạm vi vấn đề của bài viết, đồng thời, đây cũng sẽ là điểm mấu chốt để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận nguồn thông tin này dựa trên việc tìm kiếm đúng từ khóa chính.
Và lý do khiến nhiều bạn học sinh loay hoay, không thể tìm kiếm được thông tin cần thiết là vì các bạn tìm kiếm thông tin chỉ dựa trên tên chủ đề thuyết trình mà không tập trung khai thác từ khóa của vấn đề, không mở rộng ra những từ khóa phụ, từ khóa liên quan khác. Điều này khiến nguồn thông tin bị giới hạn và trùng lặp rất nhiều.
Chẳng hạn với ví dụ ở trên, để có được thông tin về cách thuyết trình cho người mới bắt đầu, chúng ta phải luôn ưu tiên từ khóa “thuyết trình cho người mới”. Đồng thời, mở rộng ra các từ khóa liên quan như “Cách thuyết trình cho người không biết gì”, “Cách thuyết trình cơ bản nhất”, “Kiến thức sơ cấp về thuyết trình”… Để có được những câu chuyện thực tế hơn, dẫn chứng tốt hơn cho chủ đề bài nói, chúng ta có thể tìm kiếm về hành trình tiến bộ trong cách thuyết trình của những người nổi tiếng như “Elon Musk đã học thuyết trình như thế nào”, “Steve Jobs bắt đầu học cách thuyết trình ấn tượng ra sao”…
Quá trình tìm kiếm thông tin phải được xác định đúng nhóm từ khóa và liên tục đòi hỏi sự xâu chuỗi không ngừng giữa các nguồn thông tin khác nhau. Sự kết nối kiến thức sẽ tạo ra chiều sâu và độ hấp dẫn đáng kinh ngạc cho nội dung bài thuyết trình. Hãy cứ nhìn vào những diễn giả nổi tiếng thế giới, không bao giờ họ chỉ nói về một câu chuyện trong suốt phần trình bày của mình. Steve Jobs khi phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford (2015), ông mang tới 3 câu chuyện: “Mối liên hệ giữa các sự kiện”, “Tình yêu và sự mất mát” và “Câu chuyện về cái chết”. Chính sự xâu chuỗi và đa dạng trong câu chuyện mà ông mang tới, Steve đã tạo ra tác động vô cùng mạnh mẽ về mặt nhận thức cho các bạn sinh viên. Ông tạo ra sự quyết tâm và khao khát đổi thay trong lòng mỗi người.
Đặt mình vào tâm thế người nghe
Bất cứ bài nói giá trị nào cũng phải có khán giả, phải tạo được hiệu ứng từ đám đông, phải khơi được niềm yêu thích và quyết tâm hành động từ phía người nghe. Nghĩa là, người nghe chính là một phần quyết định giá trị và ý nghĩa của bài thuyết trình, họ sẽ quyết định lượng thông tin mà diễn giả đã tìm kiếm và trình bày có thực sự hữu dụng hay không. Chính vì thế, diễn giả phải vào vai một khán giả của chính mình.
Với tâm thế một khán giả, chúng ta nhìn nhận về bài nói của mình dưới góc độ khách quan hơn, liên tục đặt ra những câu hỏi, những băn khoăn. Đây chính là lúc người diễn giả có thể nảy sinh những ý tưởng, chọn lọc được những từ khóa phù hợp nhất cho vấn đề mình trình bày. Nhờ thế, chúng ta có thể tìm kiếm thêm những nguồn thông tin liên quan. Đây cũng là cách để người nói có thể lường trước được các tình huống phát sinh nhằm có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho bài thuyết trình.
Thay vì cố gắng khẳng định với khán giả rằng tôi đúng, thông điệp tôi đưa ra là tuyệt vời, việc chọn lọc thông tin bài nói dựa trên chính sự quan tâm của người nghe sẽ tạo ra hiệu ứng tiếp nhận tích cực hơn rất nhiều, vì bạn đang thuyết phục người khác bằng chính cách thức mà họ mong muốn. Đó cũng là phương pháp mà Học viện Kỹ năng VTALK luôn muốn học viên phải thực hành trước khi bắt đầu tìm kiếm thông tin cho bất cứ chủ đề thuyết trình nào. “Phải vào vai, phải tưởng tượng mình là người nghe, lúc ấy bạn sẽ khoanh vùng được việc bạn nên nói gì”, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định.
Mặc dù internet là không phẳng nhưng việc tìm kiếm thông tin bài thuyết trình sẽ chẳng còn thách thức nếu chúng ta biết khai thác chúng một cách thông minh. Tìm kiếm đúng từ khóa, đặt mình đúng tâm thế người nghe, chúng ta tự tin mình có thể chinh phục mọi chủ đề thuyết trình.