Nhiều phụ huynh có thói quen giao kèo với con bằng cách cho một phần thưởng tương xứng khi học tốt mà không hề hay biết đây là cách làm phản giáo dục trầm trọng.
Cuộc sống ngày càng thay đổi nhanh chóng khiến cho việc giáo dục con cái trở nên muôn hình vạn trạng. Nhiều phụ huynh cho rằng việc mình giỏi trong công việc cũng đồng nghĩa với việc mình giỏi trong nhiều thứ, chí ít là cách giáo dục con cái. Vì vậy mà không ít phụ huynh đang có cách nuôi dạy con phản tác dụng trầm trọng. Một trong những điển hình đó là việc giao kèo với trẻ để mong con đạt được thành tích tốt nhất.
Người Việt có thói quen rằng ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bắt đầu làm quen với những nhu cầu cơ bản như: ăn, uống, ngủ, nghỉ… đã tạo cho trẻ thói quen học có điều kiện. “Ăn cơm giỏi đi rồi mẹ cho đi chơi”, “Ngủ ngoan rồi mai được đi đá bóng”… Dần dà, nhiều trẻ hình thành thói quen mong đợi phần quà từ những điều kiện tưởng chừng như hết sức bình thường đó.
Lớn lên, để việc nhắc nhở học hành trở nên ít mệt mỏi hơn, các bậc phụ huynh treo phần thưởng gắn liền với sở thích và nhu cầu cá nhân của trẻ. Trẻ thích đọc truyện thì: “Con làm bài tốt đi rồi mẹ mua cho con tập truyện mới nhất”; Trẻ thích Lego thì: “Mẹ sẽ mua cho bộ lego bản giới hạn nếu con đạt giải kì thi học sinh giỏi”. Khi phần thưởng tăng dần với độ khó của yêu cầu được đặt ra, tính phụ thuộc và mặc cả của học sinh cũng cao theo tương ứng.
Bàn luận về vấn đề này, cô Lê Thụy Mỹ Ngân – Cố vấn tâm lý và Giáo viên Kỹ năng (Personal Social Counselor & Teacher) của Học viện Kỹ năng VTALK, đồng thời là giáo viên tại trường THCS&THPT Thái Bình và thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm Ngữ Văn – Đại học Sư phạm TPHCM đã chia sẻ một câu chuyện thấm thía như sau:
Có nhóm trẻ nọ thường chơi đùa gây ồn ào trước cửa nhà một cụ già. Điều này khiến cụ cảm thấy rất bực bội và khó chịu. Vì vậy, cụ liền cho nhóm trẻ 10 đồng để chúng la hét chạy nhảy cho ông xem. Đám trẻ sung sướng nhận tiền và hôm sau lại tới trước cửa nhà nô đùa. Ông cụ bực tức nhưng vẫn rút tiền ra cho đám trẻ 5 xu để lũ trẻ nhảy múa, không quên nói rằng mình đã nghỉ hưu nên không còn nhiều tiền để cho như trước. Mấy ngày sau lũ trẻ lại kéo nhau tới và lần này chỉ nhận được 1 xu. Lũ trẻ cáu kỉnh nói: “Một xu ít quá, ông là người hẹp hòi” rồi bỏ đi và không thèm “chơi đùa” cho cụ già xem nữa. Ông cụ quả là người tinh tế, đã dùng biện pháp tạo sự mặc cả ngầm để khiến những đứa trẻ quấy rối cảm thấy thất vọng khi không còn nhận được số tiền như ban đầu.
Tuy nhiên, cô Mỹ Ngân cũng cho rằng: “Tính hiệu quả tức thời của việc thỏa ước với trẻ là điều không thể phủ nhận, chính vì thế mà nhiều trẻ đã cải thiện thành tích hơn trông thấy. Việc phụ huynh ưa chuộng thành quả tức thời cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm khi khoảng cách thế hệ khiến bậc cha mẹ ngày càng khó nắm bắt phương pháp học nói riêng và định hướng giáo dục nói chung”.
Cùng vấn đề này, có một câu chuyện khá nổi tiếng trong ngành giáo dục kể về một thầy giáo bỗng nhiên muốn làm thứ gì đấy mới lạ. Vì vậy vào một ngày đẹp trời, ông cho lớp làm bài kiểm tra vào cuối giờ và thông báo: “Để công bằng, thầy sẽ cộng điểm của tất cả các bạn, chia trung bình và cho mọi người cùng điểm số”. Đương nhiên, những học sinh sáng dạ nhất không vui và những học sinh lười biếng thì mừng thầm.
Trong bài kiểm tra thứ hai, thầy giáo tiếp tục lặp lại và điểm trung bình đã giảm. Lần này, những học sinh giỏi không còn nỗ lực làm bài vì nỗ lực của họ không được công nhận. Đến bài kiểm tra thứ ba, điểm trung bình rất thấp và tất cả phải thi lại. Đơn giản vì những học sinh giỏi không còn cố gắng chăm chỉ và những học sinh lười biếng thì lại lười biếng hơn khi biết có người sẽ giúp đỡ chúng.
“Vì vậy, cần có sự công nhận nhất định ở một ngưỡng giáo dục cho phép”, cô Mỹ Ngân nhấn mạnh.
Giáo dục là đường dài, kết quả đạt được vì thế cũng cần có sự nỗ lực kiên trì bền bỉ. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều trường học treo biểu ngữ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Cô Lê Thụy Mỹ Ngân – Cố vấn tâm lý và Giáo viên Kỹ năng của Học viện VTALK
Đồng thời, cô Mỹ Ngân cũng cho rằng: “Giáo dục tiên tiến sẽ hướng đến việc giúp con trẻ định hướng năng lực và phát triển năng lực tự thân. Chúng ta không phủ nhận mức độ hiệu quả của việc trao thưởng khuyến khích. Thế nhưng, nếu lạm dụng lặp lại nhiều lần trẻ sẽ dần hình thành thói quen học có điều kiện, đồng nghĩa với việc khi ngắt đi phần thưởng trẻ sẽ không đạt được hiệu quả học tập như phụ huynh mong đợi. Việc học là quá trình tích lũy và xây dựng kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Nếu sử dụng cách trao thưởng quá nhiều lần, trẻ sẽ phụ thuộc và hiểu nhầm rằng mình đang học cho bố mẹ, cho ông bà và phần thưởng là cái dĩ nhiên mình sẽ nhận được tương tự như những người làm công ăn lương”.
Tuy nhiên, ở một số gia đình có địa vị cao trong xã hội, họ thường bắt con cái làm việc nhà và trả một khoản tiền tương xứng để dạy con hiểu giá trị của lao động từ rất sớm. “Chúng ta không biết rằng việc làm này có hiệu quả hay phù hợp ở Việt Nam hay không, nhưng chúng ta biết chắc rằng có nhiều cách giáo dục hay hơn như thế. Việc trẻ nhỏ phụ giúp cha mẹ hay học bài nên xuất phát từ sự tự giác và tình yêu, việc “hiểu giá trị lao động” đôi khi lại là sự ngụy biện của người lớn, theo tư duy người lớn và vận hành theo cách của người lớn áp đặt lên trẻ nhỏ mà không thông qua sự kiểm chứng” – Cô Mỹ Ngân cho biết.
Hệ thống chương trình mới tuy còn vướng nhiều tranh cãi trái nhiều, nhưng thực tế cho thấy nó đang đi gần nhất đến mục tiêu giáo dục và không còn coi trọng nhiều điểm số. Chính vì vậy, để đồng hành cùng con tốt nhất, trước hết phụ huynh nên tập cho con trẻ thói quen tự lập từ những việc nhỏ nhất. Điều này không có nghĩa là bỏ rơi trẻ mà hãy trở thành người bạn đồng hành cùng con trong chặng đường lớn lên.
Tuyệt đối đừng đóng vai “sếp” trả lương cho con con, hãy để việc học là việc của con.