𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 đ𝐮̛́𝐚 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐯𝐨̂ 𝐭𝐡𝐮̛́𝐜 𝐝𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐮̛ 𝐧𝐡𝐚̣̂𝐧 đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐬𝐮̛̣ “𝐜𝐡𝐢̉ 𝐡𝐮𝐲” 𝐭𝐮̛̀ 𝐦𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐥𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐯𝐨̂ 𝐡𝐢̀𝐧𝐡 𝐧𝐚̀𝐨 đ𝐨́ 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐤𝐲̀ 𝐧𝐡𝐚̣𝐲 𝐜𝐚̉𝐦.
Khủng hoảng ở trẻ chưa bao giờ lại trở nên phổ biến như xã hội hiện tại. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội và các kênh thông tin đại chúng – mặc dù chưa có khảo sát được công nhận chính thức, nhưng ít nhiều dễ nhận thấy đã tác động không nhỏ đến tâm lý của trẻ.
Đa số các bậc phụ huynh chỉ tập trung quan tâm đến tâm lý của con trong độ tuổi từ 10-18. Tuy nhiên, theo Cố vấn tâm lý – Giáo viên Kỹ năng Lê Thụy Mỹ Ngân tại Học viện Kỹ năng VTALK, trong quá trình phát triển của trẻ, không chỉ thời kỳ dậy thì mà còn có nhiều giai đoạn xuyên suốt khác khiến trẻ có những biểu hiện tâm lý vô cùng phức tạp.
𝐆𝐢𝐚𝐢 đ𝐨𝐚̣𝐧 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 đ𝐮̛́𝐚 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐛𝐚̂́𝐭 𝐦𝐚̃𝐧 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐜𝐚̉ 𝐭𝐡𝐞̂́ 𝐠𝐢𝐨̛́𝐢
Không ít những bậc làm cha, làm mẹ vô cùng ngạc nhiên khi thấy con mình đột nhiên trở nên khó bảo, mang tính chống đối và thích làm những điều hết sức tiêu cực. Theo Cố vấn tâm lý Lê Thụy Mỹ Ngân, đây là giai đoạn mà trẻ cảm thấy như cả thế giới đang bỏ rơi mình. Hậu quả khi bố mẹ không có cách quan tâm con đúng mức là trẻ dễ bị bạn bè rủ rê làm điều không tốt, có vấn đề tâm lý và không biết coi trọng bản thân (Self-ham).
“Ở giai đoạn này, trẻ cảm thấy mọi điều mình nghĩ là đúng, và khó có ai hiểu được mình. Chính vì thế mà trẻ có xu hướng bị thu hút bởi những gì mà chúng cho là “phá cách”, thay vì nhận định đó là hành động tiêu cực như người lớn. Do những chuyển biến tâm sinh lý hết sức phức tạp, trẻ cũng có xu hướng suy diễn quá mức từng lời nói của người lớn, và tự cảm thấy khó chịu bởi những câu từ hết sức bình thường khi nghe.” – cô Mỹ Ngân nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại “đáp trả” những biểu hiện đó bằng cách la mắng, đánh đập, đóng khuôn nhận thức hoặc có những hình phạt thích ứng mang phần tiêu cực. Điều này khiến trẻ chịu ảnh hưởng rất nặng nề và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức tuổi thơ. “Nên nhớ, sức khỏe tinh thần của trẻ là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện. Không ít phụ huynh cho rằng việc cung cấp cho trẻ ăn ngon, mặc đẹp, được đi chơi, du lịch, học hành, hay thậm chí là những quà tặng mắc tiền là đủ. Điều này cần thiết nhưng chưa phải là tất cả.” – Cô Ngân phân tích.
𝐓𝐫𝐞̉ 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐚̃𝐢 𝐜𝐡𝐮̛𝐚 𝐜𝐡𝐚̆́𝐜 đ𝐚̃ 𝐥𝐚̀ 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐧𝐠𝐨𝐚𝐧
Có không ít sự việc đau lòng diễn ra mà phụ huynh nào cũng khẳng định “bình thường con tôi ở nhà ngoan lắm”. Đây là giai đoạn mà trẻ ngừng bộc lộ, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với bố mẹ và mọi người xung quanh. Ở giai đoạn này, dường như trẻ đang sống ở hai nhân cách hoàn toàn khác biệt, khi mà vừa phải cố gắng làm “con ngoan trò giỏi” trong mắt người lớn, nhưng lại dễ dàng bị những tư tưởng xấu xâm nhập, hay nổi loạn bên trong, chống đối ngầm.
Theo cô Lê Thụy Mỹ Ngân, hiện nay, nhiều trẻ em gặp vấn đề về tâm lý thường có biểu hiện thường xuyên lo lắng, căng thẳng quá mức gắt gỏng với người thân; có trường hợp lại ít nói, trầm lặng, khép kín… Nhưng đáng chú nhất là tình trạng trẻ có biểu hiện bên ngoài rất ngoan ngoãn, vâng lời, nhưng bên trong lại tích tụ cho những trận nổi loạn.
“Khi trẻ đã lựa chọn che giấu sự nổi loạn bên trong mình và ngụy trang bằng một nhân cách khác khi tiếp xúc với bố mẹ, rất khó để các bậc phụ huynh nhận ra. Nhất là khi thời gian học của trẻ và công việc của bố mẹ gần như chiếm đa số mỗi ngày, còn rất ít thời gian để các bậc phụ huynh quan sát trẻ”, cô Ngân cho hay.
Chính vì vậy, theo cố vấn tâm lý Học viện kỹ năng VTALK, cô Lê Thụy Mỹ Ngân: “Cha mẹ hãy làm bạn với trẻ, đặt mình vào vị trí của các em để thực sự hiểu trẻ. Điều này mặc dù nói dễ nhưng làm khó. Mấu chốt của việc “làm bạn” là phải tôn trọng và không áp đặt quá nhiều lên trẻ, trao quyền bình đẳng để trẻ dám nói ra suy nghĩ của mình. Nhiều bậc phụ huynh ban đầu có vẻ như rất biết lắng nghe, nhưng sau đó lại dùng suy nghĩ của người lớn để áp đặt dần lên con mình. Từ đó khiến trẻ nhận thấy đây không còn là nơi an toàn hay đủ tin tưởng để tiếp tục chia sẻ, thậm chí dùng vỏ bọc để ngụy trang.”
“𝐂𝐡𝐮̛̃𝐚 𝐜𝐡𝐨 𝐩𝐡𝐮̣ 𝐡𝐮𝐲𝐧𝐡” 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐤𝐡𝐢 “𝐜𝐡𝐮̛̃𝐚 𝐜𝐡𝐨 𝐭𝐫𝐞̉”
Sự chênh lệch thế hệ là một trong những rào cản khiến việc thấu hiểu con trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, với phương pháp giáo dục bằng đòn roi mà mình từng trải qua trước đây, họ đều trở nên giỏi giang và thành công trong hiện tại. Chính vì vậy mà không ít người thể hiện quan điểm: trẻ con bây giờ đang nhạy cảm thái quá.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Mỹ Ngân cho biết: “Nếu như thế hệ trước bị thiệt thòi về nhu cầu sinh học (ăn, mặc, ngủ…), thì chính sự phát triển của xã hội hiện đại lại làm xuất hiện thêm nhiều nhu cầu phức tạp hơn ở trẻ. Khi sử dụng tháp nhu cầu Maslow để phân tích, thì rõ ràng trong thời kỳ của bố mẹ 7X 8X, nền kinh tế thị trường đang còn “chập chững”, cơm chưa no, áo chưa ấm khi rất khó để mỗi người chúng ta suy nghĩ đến những thứ khác. Còn ở thời đại này, trẻ dường như được đáp ứng đủ 2 nhu cầu Sinh học (Physiological) và An toàn (Safety), thì mặc định nhu cầu tiếp theo được trẻ quan tâm là nhu cầu Xã hội, Được tôn trọng và Thể hiện bản thân (Love & belonging; Esteem; Self-actualization).”
Chính vì vậy, cô Ngân đề xuất, thứ nhất, các bậc phụ huynh phải học cách lắng nghe con, thay vì truy vấn trẻ. Thứ hai, mặc dù không phải bố mẹ nào cũng là nhà tâm lý học, nhưng ít nhất phải biết cảm thông và thấu hiểu cho con. Thứ ba, trẻ cần được tôn trọng. Sự tôn trọng ở đây không có nghĩa là phải nể nang, né tránh hay mặc kệ. Mà tôn trọng ở đây có nghĩa là chấp nhận những suy nghĩ khác biệt của trẻ, thậm chí có phần hơi “ngu ngốc” trong mắt người lớn, và chỉ can thiệp để định hướng suy nghĩ đó theo hướng tích cực, thay vì ngăn chặn hoặc làm thay.
Các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ mặc dù hết sức phức tạp, nhưng lại chính là điều tất yếu giúp trẻ trưởng thành. Chính vì vậy bố mẹ cần thấu hiểu, khoan dung, yêu thương, cổ vũ và mong đợi… để trẻ dựa vào động lực này mà hoàn thiện nên một cá thể độc lập, ổn định, hài hòa, tích cực và lành mạnh. Trong trường hợp cần thiết, đôi khi cha mẹ có thể nhờ sự trợ giúp của các công cụ hoặc những phân tích từ các cố vấn tâm lý để tìm ra những biện pháp phù hợp thay vì mặc định sự hiểu biết của mình trong mọi vấn đề.