Con cái cãi lời – Vấn đề tâm lý thay đổi hay văn hóa giao tiếp quá kém?

01-12-2022

– Con không thích. Tại sao con phải làm thế?

– Con cãi lời mẹ à?

– Tại sao mẹ cứ bắt con xin lỗi trong khi con chẳng sai gì cả???

Phía sau những câu từ ấy là hai gương mặt giận dữ, uất ức xen lẫn cả sự bất lực. Cãi vã giữa bố mẹ và con cái – vấn đề bình thường của tâm lý trẻ mới lớn hay sai lầm trong giáo dục của gia đình?

Dạo quanh một vòng tại các group (nhóm) nuôi dạy con, từ bà mẹ bỉm đến những phụ huynh cấp 1, cấp 2, ai cũng đều đau đáu một đề tài vốn đã in sâu vào lối sống của mọi gia đình: con cái không nghe lời, dần có ý chống trả và cãi lại ngay từ khi còn nhỏ.

Đây là một thực trạng phổ biến mà hầu như mọi ông bố bà mẹ đều phải trải qua. Ít thì trong khoảng dăm ba tháng khi trẻ bắt đầu rơi vào độ tuổi chuyển giao cả tâm sinh lý, nhiều thì vài ba “chặp” mỗi ngày, gay gắt và không có hồi kết.

Đứng trên phương diện của khoa học, sự cãi vã của trẻ có thể xuất phát từ quy luật phát triển bình thường. Khi con lớn dần theo thời gian, quá trình tư duy về sự vật, sự việc trong cuộc sống cũng như nhận thức về bản thân dần có sự thay đổi. Từ 2-3 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu có một ý thức nhất định về xung quanh cũng như một hình dung sơ khởi về bản thân mình. Do đó, các con dần có xu hướng thích thể hiện cái tôi bằng việc nói “không” với các yêu cầu của bố mẹ.

Lớn hơn chút nữa, trẻ hiểu biết nhiều hơn về thế giới, trở thành một cá nhân có tư duy độc lập, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Lúc này, khả năng phản biện và mong muốn thể hiện bản thân được đẩy lên một mức độ cao hơn, thường xuyên hơn nên tranh cãi rất dễ xảy ra nếu các con không tìm được sự đồng thuận từ quan điểm của bố mẹ.

Còn nếu xét trên góc độ của giáo dục, việc cãi lại cha mẹ lại là hành vi không phù hợp với các chuẩn mực trong giao tiếp và đạo đức. Chúng ta đừng vội đánh giá rằng đây là tư tưởng đóng khung lỗi thời và cho rằng, con cái cũng cần có tiếng nói của riêng các bạn. Vì khái niệm tranh cãi và trình bày ý kiến là hai việc hoàn toàn khác nhau. Các con có quyền nói, có quyền được đưa ra quan điểm và ý kiến của riêng mình nhưng là việc trình bày một cách thiện chí, tôn trọng và mang mong muốn lắng nghe chứ không phải thể hiện một thái độ gay gắt để giành phần thắng hay khiến ba mẹ phải chấp nhận thua. Tức là cách thể hiện và phản ứng trong giao tiếp là điều quan trọng đầu tiên mà mọi đứa trẻ phải nắm bắt và học hỏi.

Để có được góc nhìn khách quan hơn về vấn đề này, phòng Tham vấn tâm lý của Học viện Kỹ năng VTALK đã thực hiện phỏng vấn và khảo sát thực tế giữa phụ huynh với các bạn học viên. Và kết quả đã chỉ ra một vấn đề khiến nhiều người bất ngờ: ngoài sự thay đổi tâm sinh lý trong quá trình phát triển của bé, thì lý do lớn nhất khiến những cuộc tranh cãi ở gia đình không có hồi kết là do cách giao tiếp và trình bày của các bạn trẻ. Đôi khi chỉ từ một vấn đề rất nhỏ nhưng thái độ và ngôn ngữ trao đổi của các bạn lại có xu hướng thổi phồng mức độ khiến cuộc tranh luận đi vào bế tắc. Nhiều phụ huynh cho rằng, điều khiến họ thực sự tức giận là thái độ và cách con thể hiện chứ không phải việc con có những lý lẽ trái ngược quan điểm của mình.

Suy cho cùng, vấn đề không nằm ở việc ai đúng ai sai, vì quan điểm của cá nhân là độc lập, phát sinh xung đột là điều dễ hiểu dù đó là mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận và tìm giải pháp thực sự cho vấn đề thay vì chỉ chăm chăm vào việc lo lắng và tìm cách chữa cháy cho những cuộc tranh cãi rất thường xuyên ấy. Cần thiết nhất lúc này là phải tập trung giáo dục kỹ năng giao tiếp với những phương pháp mang tính thực tế cao, nhằm giúp các con biết trao đổi và tranh luận một cách văn minh, hiệu quả hơn.

Trong tương lai gần, các con sẽ phải làm việc rất nhiều với bạn bè, thầy cô hay rộng hơn, các con sẽ phải giao tiếp với đồng nghiệp, trình bày với đối tác thậm chí là thương thuyết với khách hàng, cấp trên… Nếu ngay từ môi trường gia đình mà các con đã không có được cách thức giao tiếp phù hợp thì trong quá trình học tập và làm việc, con sẽ rất khó để phát triển hết khả năng của bản thân.

Vì thế, ưu tiên hàng đầu của giáo dục hiện nay, ở cả gia đình và nhà trường, phải là việc rèn luyện cho con cái khả năng chia sẻ một cách đúng đắn hơn. Vẫn là những ý nghĩ đó, mong muốn đó nhưng nếu các con có phương thức trình bày tốt hơn, vấn đề không những sẽ được giải quyết hiệu quả mà còn giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái được dung hòa và thoải mái hơn. Đó mới là giá trị thực sự mà giáo dục hướng tới: vừa tôn trọng cái tôi của mỗi người, vừa tạo được tinh thần hòa nhập tốt hơn cho cả xã hội.

Bình luận của bạn