Diễn giả Trần Thị Hương chỉ ra cách xây dựng văn hóa ứng xử thành công cho học sinh

02-12-2022

Điều cần thiết là phải biến ứng xử thành một văn hóa riêng, in sâu trong nhận thức của từng bạn học sinh, phải để các em hành xử như đó chính là triết lý sống vốn có của mình.

James Heckman – nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu về sự khác biệt giữa thu nhập và trí tuệ (tính bằng chỉ số IQ). Kết quả cho thấy, IQ chỉ ảnh hưởng khoảng 1% – 2% về mức độ chênh lệch mà thôi. Tức là vai trò của trí tuệ không thực sự quan trọng như chúng ta vẫn nghĩ. Heckman tiếp tục thực hiện một nghiên cứu khác thì tìm thấy kết luận, thứ có ảnh hưởng nhiều nhất đến thành công của mỗi người chính là tính cách và lối ứng xử của họ với thế giới xung quanh.

Nhận định về vấn đề này, cô Trần Thị Hương – Diễn giả, giáo viên kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK cho biết: “Chúng ta nói rất nhiều về văn hóa ứng xử, đến mức cứ mỗi năm học mới, nhà trường lại phải tổ chức buổi sinh hoạt chung cho toàn thể học sinh. Tuy nhiên, các hoạt động dường như chỉ mới dừng ở việc tuyên truyền, kêu gọi chứ chưa tác động đến nhận thức và hành vi. Điều này dẫn đến tình trạng, rất nhiều em không hiểu đúng và đủ về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử – thứ quyết định trực tiếp đến thái độ và sự thành công của mỗi người trong tương lai”.

Trần Thị Hương – Diễn giả, giáo viên kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALKCũng theo cô Hương, ứng xử là một hình thức thể hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước những tác động bên ngoài thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hoặc gắn kết mối quan hệ giữa mọi người với nhau. Theo đó, bản chất của ứng xử chính là đặc điểm tính cách của cá nhân mỗi người.

“Chính vì ứng xử là hình thức biểu hiện trực tiếp của tính cách con người nên việc hình thành và xây dựng một văn hóa ứng xử phù hợp là điều cực kỳ quan trọng. Thậm chí, đây còn là căn cứ để chúng ta đánh giá đạo đức và nhân cách của một người, do đó, cả gia đình và nhà trường đều rất cần phải chú trọng giáo dục về cả nhận thức lẫn hành động cho các bạn học sinh”, cô Hương nhấn mạnh.

“Với chương trình cũ, khi mà giáo viên là trung tâm của lớp học thì văn hóa ứng xử được mặc định như một yếu tố mà mọi học sinh phải tự ý thức để thực thi. Điều này rất nhiều lần đã gây ra tình trạng ngoài mặt thì các em đồng thuận nhưng bên trong lại không phục, ngấm ngầm có những suy nghĩ hoặc lời nói mang tính tiêu cực, không phù hợp với độ tuổi của mình. Hoặc, vì tiếp nhận dưới dạng một chiều mang tính đối phó nên khi rời khỏi khuôn viên nhà trường, học sinh như “lột xác” thành một con người khác và không có được những chuẩn mực ứng xử phù hợp”, diễn giả Trần Thị Hương trăn trở. Do đó, “Điều cần thiết là phải biến ứng xử thành một văn hóa riêng, in sâu trong nhận thức của từng bạn học sinh, phải để các em hành xử như đó chính là triết lý sống vốn có của mình”, cô Hương khẳng định.

Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, cô giáo Hương đề xuất: “Để làm được điều ấy, chúng ta cần sự phối hợp từ cả hai phía. Một mặt, phụ huynh và nhà trường nên có sự cởi mở và lắng nghe nhiều hơn với những trăn trở và suy nghĩ của các bạn học sinh. Quá trình này cho phép chúng ta thấu hiểu và lý giải được nguyên nhân về lối ứng xử của các em nhằm có được cách định hướng phù hợp. Mặt khác, các em học sinh phải chủ động tham gia vào quá trình tiếp nhận và sẵn sàng phản biện để chính bản thân các em phải là người hiểu và cảm được giá trị thiết thực của việc đưa thái độ ứng xử của mình về đúng các “nguyên tắc” cơ bản nhất”.

Cô Hương cũng đề xuất thêm, “Cần rất nhiều thời gian và cả sự nỗ lực để hình thành được văn hóa ứng xử. Đầu tiên, để các bạn học sinh thực sự hiểu và có ý thức xây dựng cách ứng xử phù hợp cho mình, các bạn phải là người được trải nghiệm và phải cảm nhận được giá trị thực tế của lối hành xử ấy. Tức là trước khi làm, các em là người đã được nhận. Tiêu biểu như văn hóa ứng xử tại một số trường học quốc tế trong việc chào hỏi. Thay vì chỉ có học sinh là người phải chào thầy cô và đôi khi phải chấp nhận việc thầy cô có quyền không hồi đáp lời chào ấy của mình thì tại đây, giáo viên sẽ là người mở lời chào trước với học sinh. Hành động này dù rất nhỏ nhưng mang lại giá trị giáo dục cực kỳ sâu sắc, vừa khiến học sinh hiểu tầm quan trọng của văn hóa chào hỏi vừa tạo sự gắn kết tốt hơn trong mối quan hệ thầy – trò”.

Tiếp theo đó, người lớn nên tôn trọng và khuyến khích văn hóa phản biện cho các em. Trong quá trình giảng dạy thực tế, cô Hương nhận thấy: “Những bạn học sinh được trau dồi trong môi trường phản biện liên tục thường có xu hướng ứng xử một cách tích cực hơn. Một phần vì quá trình phản biện buộc học sinh phải khai thác sâu và hiểu rõ vào các vấn đề. Từ đó, các bạn có thể hiểu được bản chất, nói ra được những băn khoăn và giải đáp được các thắc mắc của riêng mình. Dĩ nhiên, quá trình này sẽ tạo ra tâm lý thoải mái cũng như nâng cao được mức độ nhận thức của cá nhân mỗi bạn. Do đó, các bạn sẽ có lối hành xử tích cực và phù hợp hơn”.

“Cuối cùng là liên tục trau dồi kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là kỹ năng Giao tiếp – Thuyết trình vì đây là nhân tố tác động trực tiếp đến cách thức truyền tải và diễn đạt thông qua lời nói và hình thể của các em. Văn hóa ứng xử khi biểu hiện ra phần nhiều sẽ bị tác động bởi khả năng kiểm soát cảm xúc, tông giọng, ngôn ngữ cơ thể hoặc biểu cảm khuôn mặt. Và đây cũng chính là những kỹ thuật bắt buộc trong thuyết trình. Vì thế, luyện thành thạo kỹ năng thuyết trình là một giải pháp hữu dụng nhằm khuyến khích các bạn học sinh có được lối ứng xử văn minh, phù hợp hơn”, diễn giả Trần Thị Hương quả quyết.

Nestle mất đến hai thập kỷ để xây dựng văn hóa uống cafe cho người Nhật Bản. Grab mất hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng văn hoá xe ôm công nghệ cho nhiều quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng phải mất hàng chục năm trời để người dân hiểu và chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng của thời đại mới. Dù là ở nước ta hay trên thế giới, mỗi văn hóa ra đời luôn là một công trình dựng xây của tâm huyết và rất nhiều sự nỗ lực. Do đó, để “gieo trồng” thành công văn hóa ứng xử tích cực cho học sinh, chúng ta cần sự quan tâm và đồng hành rất nhiều từ gia đình, nhà trường và cả chính bản thân các em học sinh.

Bình luận của bạn