Làm chủ sân khấu thuyết trình chỉ với 4 bước đơn giản dành cho người mới bắt đầu

03-01-2023

Mỗi cuộc trò chuyện, giao tiếp hay nói trước đám đông đều là cơ hội để chúng ta thể hiện kỹ năng thuyết trình. Nhưng không phải ai cũng biết cách làm chủ “cuộc chơi” và  trở thành người nghệ sĩ nơi sân khấu của mình.

Thuyết trình ngày nay không còn là chuyện của riêng nghề diễn giả mà trở thành một kỹ năng thiết yếu của cuộc sống. Dù là ai hay đang làm bất kì ngành nghề nào thì kỹ năng thuyết trình có thể mang đến những cơ hội và sự thăng tiến trong tương lai. Dù xuất phát điểm của chúng ta ở đâu trên cuộc hành trình chinh phục những ước mơ, kỹ năng thuyết trình sẽ là một trợ thủ đắc lực để đạt được ước mơ đó. Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK, nhận định: “Thuyết trình không phải là một nghề nghiệp, thuyết trình phải là công cụ thường trực trong cuộc sống hàng ngày”. Đó là những cuộc trò chuyện với mọi người xung quanh, là lần trình bày dự án với cấp trên hay là trình diễn chuyên nghiệp trước hàng trăm ngàn khán giả. Và với cơ hội nào đi nữa, người thuyết trình cũng cần phải có đủ khả năng làm chủ sân khấu để trở nên thật tỏa sáng. 

Một bài thuyết trình được coi là thành công khi người nghe tiếp nhận được những kiến thức mà các diễn giả trình bày. Và chắc chắn, người nghe không thể nào bị thuyết phục bởi một người tự ti, ngập ngừng và trình bày thiếu sức sống. Để có thể trở thành một người tự tin khi thuyết trình, có rất nhiều phương pháp và giai đoạn khác nhau nhưng điều quan trọng nhất để thu hút khán giả là khả năng dẫn dắt cũng như kiểm soát hoàn toàn bài nói, như cách mà một người ca sĩ nắm rõ bài hát của mình và trình diễn nó như một diva chuyên nghiệp. Làm chủ sân khấu khi thuyết trình không đơn giản là việc đứng trên sân khấu nói thật nhiều điều mà đó là cả một quá trình đầy bản lĩnh và nghệ thuật với những bí quyết không phải ai cũng biết đến.

1. Chuẩn bị nội dung

Để một phần thuyết trình chiếm được ưu ái của người nghe và đạt hiệu cao, phần nội dung bài nói và powerpoint cần phải được đầu tư chu đáo và bài bản. Nếu không chuẩn bị tốt về mặt kiến thức truyền tải, câu chuyện sẽ thiếu thuyết phục và gây nhàm chán cho khán giả. Bởi thuyết trình không phải chỉ đứng nói thuộc lòng về những điều mình đã viết mà phải thực sự thấu hiểu và cảm nhận nó theo cách riêng, sau đó sử dụng ngôn ngữ của bản thân để truyền tải đến người nghe. Khi đó, thông tin chúng ta đưa ra sẽ tăng thêm phần tin cậy và dễ dàng được khán giả tiếp nhận. 

Về mặt powerpoint, hiện nay, việc tạo một chiếc slide thuyết trình không chỉ dừng lại ở việc tạo hiệu ứng và chèn chữ mà chúng ta còn có thể áp dụng nhiều cách để phần trình chiếu đạt hiệu quả cao như chèn nhạc, lồng video, meme thú vị…

Một số tips để chuẩn bị tốt phần trình chiếu có thể kể đến như:

  • Chọn phông chữ không chân (vì phông chữ không chân sẽ giúp người đọc đọc nhanh hơn và tập trung hơn)
  • Size chữ từ 24 – 28
  • Không chèn quá nhiều chữ vào cùng một slide
  • Chọn đồng nhất một chủ đề thiết kế
  • Chọn màu tương phản

Tuy nhiên, Powerpoint nhìn chung chỉ là một công cụ hỗ trợ cho phần thuyết trình thêm sinh động chứ không phải một vật gây nhiễu thông tin, làm cho người nghe quên mất diễn giả trên sân khấu. Steve Jobs, nhà sáng lập công ty nổi tiếng Apple cho rằng: “Những người biết họ đang nói gì sẽ không cần đến Powerpoint”. Bởi với ông, người thuyết trình giỏi sẽ thật sự hiểu điều mình đang nói và đã chuẩn bị kỹ lưỡng điều đó chứ không phải sử dụng Powerpoint như một vật để nhắc bài cho mình.

Powerpoint chỉ là một công cụ hỗ trợ cho phần thuyết trình thêm sinh động.

2. Tập luyện

Tất cả chúng ta đều biết rằng kiên trì và chăm chỉ là nhân tố quyết định dẫn đến thành công. “Practice makes perfect” chính là chiếc chìa khóa quan trọng mà ai cũng cần ghi nhớ vì con đường dẫn đến thành công bền vững chỉ có thể là sự kiên trì luyện tập, nỗ lực rèn luyện hết mình trong lĩnh vực mình muốn. Việc tập luyện bài bản trước khi bài nói diễn ra là điều cần thiết cấu tạo nên một phần thuyết trình “ăn khách”. 

Chúng ta có thể chọn cách tự tập luyện trước gương, ghi âm giọng nói hoặc tự quay video phần thuyết trình để tự đánh giá và chỉnh sửa theo mong muốn cá nhân hoặc theo yêu cầu của buổi thuyết trình. Vì làm chủ sân khấu thuyết trình là một nghệ thuật cần được trau dồi và để có thể đứng nói trước hàng trăm người một cách tự tin thì chẳng có cách nào khác ngoài sự cố gắng, nỗ lực rèn luyện hàng ngày.

3. Tương tác với người nghe

Khi thuyết trình hãy nhìn thẳng vào người nghe, điều này vừa tạo sự tôn trọng đối với mọi người vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, tự tin của bản thân. Cách khắc phục nỗi sợ hãi chính là đối diện trực tiếp với nó, sân khấu hào quang không dành cho những kẻ sợ ánh sáng.

Đừng ngại nhìn vào mắt khán giả hay tương tác với họ bằng những câu hỏi đơn giản gắn với chủ đề bài nói. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, diễn giả với những bài nói truyền cảm hứng được đông đảo bạn trẻ yêu thích vô cùng nổi tiếng với cách tương tác cùng khán giả bằng những câu hỏi. Điều này giúp bầu không khí trở nên thoải mái và làm cho ông ở vị thể chủ động hơn trong phần trình bày của mình.

4. Ngữ điệu và ngôn ngữ hình thể

Khi thuyết trình, không nên dùng mỗi tông giọng đều đều để đọc nội dung vì dễ gây nhàm chán cho người nghe.  Hãy cố gắng thay đổi giọng điệu thuyết trình, nhấn trọng âm vào những thông tin quan trọng để người nghe dễ dàng ghi nhớ. Thi thoảng chúng ta nên thay đổi ngữ điệu lên – xuống nhịp nhàng, ngắt giọng hợp lý, và đừng quên giao lưu cùng người nghe để không khí buổi thuyết trình trở nên gần gũi và thu hút hơn. Ngoài ra, chúng có thể đổi không khí bằng một câu chuyện hài liên quan đến vấn đề đang thuyết trình.

Trong lúc thuyết trình, đừng “bỏ rơi” cơ thể mà hãy dùng tay chỉ bảng hoặc vung nhẹ nhàng tạo cảm giác thoải mái cho bản thân. Một nụ cười thân thiện hay những bước di chuyển nhẹ nhàng tiến lại gần khán giả sẽ góp phần tăng thêm độ tin cậy và dễ dàng thuyết phục nghe hơn. 

Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh

Bình luận của bạn