Muốn con có văn hóa nhận lỗi, bố mẹ phải đồng hành

02-12-2022

Văn hóa nhận lỗi – vấn đề giao tiếp hay sự sai lầm trong cách giáo dục con trẻ?

Theo tháp nhu cầu Maslow, ở tầng thứ bốn, năm, tức những tầng cao nhất về nhu cầu của mỗi con người chính là cảm giác được thể hiện bản thân, được nhận sự kính nể và ngưỡng mộ từ người khác. Do đó, để một người chịu chấp nhận mình sai, thừa nhận lỗi lầm về mình hay cúi đầu xin lỗi người khác là một điều rất khó khăn. Quá trình ấy đòi hỏi sự rèn giũa, giáo dục ngay từ khi còn là một đứa trẻ, vì đó những nền tảng đầu tiên hình thành nhân cách và thái độ sống của mỗi người.

Nhận xét về vấn đề này, cô Nguyễn Minh Thảo – Diễn giả, giáo viên kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK cho biết, “Nhận lỗi là bài học vỡ lòng quan trọng nhất dành cho các bạn nhỏ. Nhưng nhận lỗi không phải cứ nói “xin lỗi” là xong, mà phải xét đến cả biểu hiện và những đổi thay đằng sau lời “xin lỗi” ấy. Đó là lý do mà rất nhiều bạn nhỏ nói “xin lỗi” một cách vô chừng rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, sai lầm lại chồng chất sai lầm”.

Con tránh né lỗi lầm – Câu chuyện của mọi nhà

Từng trải nghiệm giảng dạy với nhiều học sinh ở các độ tuổi khác nhau, cô Thảo trăn trở, “Dù là độ tuổi nào thì việc phải nhận lỗi, phải chấp nhận mình sai và xin lỗi người khác là điều gì đó rất “kinh khủng” trong suy nghĩ của các con”.

“Các bạn nhỏ sẵn sàng “nghỉ chơi” với nhau chứ nhất quyết không nhường nhịn, không xuống nước làm hòa với đối phương. Có bạn thì òa khóc một cách tức tưởi và đổ lỗi cho người này người kia chứ không thừa nhận sai lầm về mình. Nhiều bạn nhỏ lại có xu hướng tranh cãi gay gắt nếu bố mẹ hoặc thầy cô nhắc tới lỗi lầm của bản thân. Và một trường hợp cũng đau đầu không kém là các con nhanh chóng buông lời xin lỗi nhưng không thể hiện được thái độ thiện chí muốn sửa sai”, cô Minh Thảo chia sẻ.

“Và khi lỗi lầm không được nhìn nhận hay giải quyết triệt để, một vòng lặp mới lại sinh ra. Các bạn hết lần này đến lần khác sẽ lại đi vào vết xe đổ. Điều này vừa tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm lý của các con, vừa gây ra những cảm xúc tức giận cho bố mẹ hoặc những người xung quanh, lâu dần sẽ tạo ra cảm giác chán ghét cho cả hai phía”.

Tuy nhiên, cô Thảo cũng nhấn mạnh rằng, các con không có văn hóa nhận lỗi, một phần cũng vì lối giáo dục chưa thực sự hoàn thiện từ phía gia đình và nhà trường.

Con cũng phải tranh đấu rất nhiều để nhận lỗi

Dưới góc nhìn của người lớn, lỗi lầm của con trẻ vốn rất nhỏ và chỉ cần nói một câu xin lỗi đã đủ để kết thúc tất cả. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào góc độ tâm lý của con, chúng ta sẽ nhận ra, con cũng phải đấu tranh rất nhiều để dám thừa nhận lỗi lầm ấy.

Cô Minh Thảo nhận định, “Các con không dám nhận lỗi hoặc nói xin lỗi một cách hình thức vì con sợ phải nhìn thấy ánh mắt xem thường từ mọi người xung quanh. Tâm lý thường thấy của các bạn nhỏ là suy nghĩ mặc định rằng lỗi lầm đi liền với sự thua kém. Do đó, thà con chối bỏ chứ không nhận sai vì sợ bị đánh giá là một kẻ thất bại”.

Bên cạnh đó, “Thái độ của người lớn cũng là rào cản khiến con không dám nhận sai. Vì con không cảm nhận được sự thông cảm và thấu hiểu khi thừa nhận lỗi lầm của mình. Nếu con thừa nhận rằng con sai và đổi lại là ánh mắt trách móc, giận dữ hoặc lời nói răn đe từ bố mẹ thì chắc chắn lần sau con sẽ tìm cách bao biện còn hơn là thừa nhận lỗi lầm của mình. Đứa trẻ nào cũng muốn được khen, được nhận sự yêu thương từ người lớn. Vì thế, khi con đã có cảm giác rằng lỗi lầm sẽ khiến con đánh mất lợi thế ấy, con chắc chắn sẽ không thừa nhận”, cô Minh Thảo chia sẻ thêm.

“Đặc biệt, nhiều bạn học sinh khi bắt đầu có ý thức tốt hơn về suy nghĩ và hành động của bản thân. Nghĩa là con nhận thức rõ ràng được lỗi lầm mình gây ra. Thế nhưng con lại không biết cách bày tỏ sự hối lỗi. Con bối rối không biết nên dùng từ ngữ, thái độ hay tông giọng như thế nào để xin lỗi và nhận được sự tha thứ từ đối phương. Nhiều lần băn khoăn sẽ dễ nảy sinh tâm lý trốn tránh. Tình trạng này là dấu hiệu đáng báo động cho kỹ năng giao tiếp còn rất kém ở học sinh của ta”, cô Nguyễn Minh Thảo trăn trở nói.

Để con hình thành văn hóa nhận lỗi, bố mẹ cần đồng hành

Nhận lỗi không đơn thuần chỉ là việc nói mình sai và buông lời xin lỗi, mà quá trình ấy gắn liền với những thay đổi trong ý thức và tâm lý của mỗi bạn nhỏ. Chính vì thế, cô Thảo đề xuất, “Thay vì dạy con phải nói lời xin lỗi, chúng ta hãy chỉ cho con thấy con sai ở đâu, lỗi lầm ấy gây ảnh hưởng như thế nào đến người khác. Hãy dạy con phải tự đặt bản thân mình vào đối phương để cảm nhận những tổn thương mà mình gây ra cho họ và đưa ra những giải pháp con có thể làm để khắc phục lỗi lầm ấy. Đây là cách cho phép con vào tham gia với vị trí của người trực tiếp giải quyết vấn đề. Tự khắc con sẽ ghi nhớ và có được bài học cho riêng mình”.

Cô Thảo cũng nhấn mạnh, “Việc dạy con nói lời xin lỗi một cách thiện chí, tích cực cũng rất cần thiết. Vì như đã chia sẻ ở trên, việc nhận lỗi còn phụ thuộc rất lớn vào thái độ, tông giọng hoặc từ ngữ mà con sử dụng. Chính vì thế, phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng giao tiếp của con cái. Chúng ta có thể cho con tham gia các lớp học giao tiếp, luyện kỹ năng thuyết trình – nơi mà con có cơ hội được nói nhiều hơn, được rèn lối chia sẻ và trình bày vấn đề một cách logic. Phương pháp này tạo cho con sự dạn dĩ khi đối mặt với các vấn đề, biết cách thuyết phục người khác bằng ngôn từ và có đủ khả năng để luận giải về lỗi lầm của mình với thái độ thiện chí hơn. Nhiều người cho rằng giao tiếp – thuyết trình là kỹ năng chỉ cần khi nói trên sân khấu nhưng bản chất giao tiếp phải được áp dụng từ những tình huống nhỏ nhất trong cuộc sống. Kỹ năng này sẽ tạo cho con ý thức trách nhiệm tốt hơn về những gì mình nói thay vì chỉ là buông một câu xin lỗi trên đầu môi”.

“Cuối cùng, phụ huynh cần có tâm lý đón nhận cởi mở hơn, sẵn sàng lắng nghe nhiều hơn đối với sai lầm của con trẻ. Sai lầm là điều thường thấy ở tất cả mọi người. Điều quan trọng là cách chúng ta đối diện với sai lầm ấy. Nếu bố mẹ cởi mở và cùng con phân tích, sửa sai, thái độ và cách đón nhận của con sẽ có sự thay đổi. Khi bố mẹ cùng đồng hành và ủng hộ, văn hóa nhận lỗi của con sẽ được định hình và nâng cao hơn”, cô Minh Thảo khẳng định.

Chúng ta không thể đòi hỏi sự hoàn hảo từ những đứa trẻ, vì thế, đừng vội oán trách hay trừng phạt với những lỗi lầm của con. Thỏa mãn cảm xúc tức giận nhất thời của người lớn chỉ khiến con sợ hãi và trốn tránh nhiều hơn. Thay vào đó, việc đồng hành cùng con trong quá trình lắng nghe và chia sẻ mới là phương pháp tốt nhất giúp con hình thành văn hóa nhận lỗi. Đó cũng là giá trị cốt lõi mà cô Thảo cũng như các giáo viên khác tại Học viện Kỹ năng VTALK đang nỗ lực theo đuổi nhằm phát triển một thế hệ trẻ toàn diện hơn.

Bình luận của bạn