Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ ngay từ nhỏ có những phẩm chất này sẽ dễ dàng thành công hơn. Cha mẹ nên rèn luyện cho con những điều này từ nhỏ để con có được nhiều thành tựu lớn trong đời.
Ngay từ khi sinh ra, con cái đã là niềm kỳ vọng to lớn của cha mẹ bởi không có ai mong con mình sẽ sống cả đời một cách tầm thường và vô vị. Dù không nhất thiết phải xuất chúng như Jack Ma hay Bill Gate, nhưng ít nhất, họ cũng hy vọng con mình có được những thành công trong cuộc sống, được mọi người tôn trọng và ngưỡng mộ.
Đại học Harvard từng tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên hệ giữa tuổi thơ và thành công. Các nhà khoa học đã khảo sát 100 doanh nhân khởi nghiệp thành công trong độ tuổi 25-45, bao gồm cách nuôi dạy của cha mẹ và quá trình trưởng thành của họ. Kết quả cho thấy, 80% số người được hỏi đều chia sẻ những đặc điểm chung dưới đây.
1. Lòng tự trọng
Trong cuộc khảo sát, phụ huynh của nhiều người thành công cho biết, ngay từ bé con mình đã có lòng tự trọng rất cao. Chính vì lòng tự trọng này mà trẻ không ngừng phấn đấu và cạnh tranh để vươn lên. Trẻ có lòng tự trọng sẽ có cái nhìn tích cực, khả năng đánh giá bản thân và những điều xung quanh, có tư duy chiến đấu mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn thử thách.
Nhà tâm lý học người Anh William McDougall từng nhận định: “Lòng tự trọng là sự tự tôn đặc biệt của cảm xúc, mà sự tự tôn này chính là chìa khóa cho ý chí hành động, nó cũng bồi dưỡng đức hạnh”. Người có lòng tự trọng sẽ luôn biết trị giá của chính mình, biết mình là ai, mình có những gì, tự hào về điều gì và mình có thể cống hiến điều gì cho cuộc đời. Đồng thời họ sẽ ra sức bảo vệ bản thân để mọi người không thể xâm phạm vào những lý tưởng mình đã đặt ra. Từ đó, lòng tự trọng thôi thúc họ nỗ lực để nâng cao vị thế của mình cũng như khiến người khác tôn trọng mình hơn bằng những thành công trong cuộc sống.
Lòng tự trọng sẽ giúp trẻ biết được sức mạnh của mình và theo đó ảnh hưởng đến sự tự tin, kỹ năng giao tiếp xã hội, khả năng thể hiện bản thân… của trẻ. Vì vậy, những đứa trẻ có lòng tự trọng cao sẽ dễ dàng cạnh tranh và thể hiện mình trong xã hội bởi chúng biết mình có thể làm được điều gì và mong muốn được người khác công nhận điều đó ở mình. Lòng tự trọng cũng nhắc nhở trẻ sống đúng đắn, tuân thủ luật pháp và những giá trị nhân văn sâu sắc khác.
2. Tính chủ động
Leonardo da Vinci, người được coi là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại đã nhận định rằng: “Từ lâu tôi đã để ý thấy rằng những người có thành tựu hiếm khi ngồi chờ mọi việc xảy đến với mình. Họ hành động và ảnh hưởng lên sự việc”. Những người thành công không có một chút nào lười biếng. Ai cũng rất tích cực phấn đấu, chủ động cố gắng ngay cả khi họ đã rất thành công.
Từ thuở ấu thơ, những người thành công đều tự giác thực hiện phần việc của mình, không cần phải đợi cha mẹ thúc giục. Những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã có ý thức dậy sớm đi học, chủ động học bài, làm bài tập về nhà hay phụ giúp cha mẹ làm việc nhà mà không cần đợi nhắc nhở sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai. Bởi nếu trẻ có bản năng chủ động làm mọi việc khi còn bé, lớn lên chúng cũng có thói quen tự giác làm việc không đợi ai sai bảo. Những người như thế đều rất được cấp trên coi trọng vì chính họ có sự tự giác hoàn thành công việc hơn mục tiêu ban đầu đề ra và tự nắm lấy những cơ hội để thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
Tính chủ động sẽ khuyến khích trẻ hình thành tinh thần tự giác học hỏi và luyện tập, ý thức tập trung làm việc và cảm giác gắn kết. Ngoài ra, chúng còn được rèn ba đặc tính quan trọng là kiên nhẫn, can đảm và cẩn thận. Sự kết hợp giữa bên trong và bên ngoài như vậy sẽ giúp cho con trẻ ngày càng thêm ưu tú.
3. Lòng vị tha
Lòng vị tha xuất phát từ sự nhân hậu, mong muốn giúp đỡ người khác và cống hiến bản thân cho xã hội. Người có lòng vị tha sẽ luôn cố gắng hoàn thiện mình để góp phần xây dựng thế giới. Họ không bao giờ lười biếng hay dè chừng trước những việc khó cũng như không dễ nản lòng thì gặp phải thất bại.
Trong cuốn “Tam tự kinh” – sách học vỡ lòng của con trẻ thời xưa – có viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Thiện lương chính là bản tính, giúp trẻ nuôi dưỡng lòng thiện, vừa phù hợp đạo đức, vừa giúp trẻ sau dễ hòa nhập với xã hội. Trẻ nếu được rèn luyện tính vị tha ngay từ bé sẽ hình thành tư duy sống có ích, tự lập và phát triển nhân cách theo hướng tích cực vì xã hội. Từ đó, trẻ sẽ biết yêu thương mọi người và dễ dàng nhận lại tình yêu thương từ những người xung quanh, là cơ hội gia tăng vòng tròn quan hệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lòng vị tha thường được thể hiện qua những xu hướng hay hành động giúp đỡ người khác, có ích cho xã hội. Hầu hết những người giàu có trên thế giới đều sở hữu phẩm chất này, thông qua các hoạt động thiện nguyện. Ví dụ như Bill Gates đã thành lập “Quỹ Bill & Melinda Gates”, quyên góp hàng chục tỷ USD cho các dự án vì con người và phát triển thế giới. Tỷ phú Charles Chuck Feeney – người được mệnh danh là “James Bond của giới từ thiện” thậm chí đã phân phát hết toàn bộ khối tài sản trị giá 8 tỷ USD của mình để làm từ thiện, còn bản thân thì sống giản dị và tiết kiệm.
4. Ý thức tự kỷ luật
Tự kỷ luật chính là tự biết giới hạn, điều chỉnh lời nói và cử chỉ của mình để khiến cho bản thân ngày càng tốt đẹp hơn. Tự kỷ luật là một năng lực không thể thiếu, nếu trẻ được rèn từ bé thì cuộc sống thường ngày sau này sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Jim Rohn, là một doanh nhân, tác giả và diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ nói rằng: “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”. Người có ý thức tự kỷ luật sẽ biết cách lên kế hoạch cuộc đời và nỗ lực từng ngày để thực hiện nó, không để cho những cảm xúc nhất thời như sự lười biếng hay tiêu cực kéo mình bỏ cuộc.
Chẳng hạn, tỷ phú Lý Gia Thành có thói quen xem truyền hình bằng tiếng Anh, xem thôi chưa đủ mà còn học nói theo. Ông kiên trì học tiếng Anh theo cách này vô cùng đều đặn vì sợ rằng nếu không trau dồi thì chính mình sẽ lạc hậu. Một đứa trẻ rèn luyện ý thức kỷ luật ngay từ nhỏ chắc chắn sẽ trở thành người nhân viên ưu tú và là một người thành công trong tương lai.
Tự kỷ luật là một năng lực không thể thiếu.
5. Kỹ năng giao tiếp
Nghiên cứu của đại học Harvard cũng cho thấy những người thành công thường sở hữu khả năng xã giao ưu việt. Họ sẽ có một mạng lưới quan hệ xã hội khổng lồ và những mối quan hệ này đều giúp ích rất nhiều cho quá trình khởi nghiệp của từng người. Bởi trên con đường thành công của họ, ngoài nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của những người xung quanh cũng rất quan trọng. Và nếu muốn có được những người bạn, người đồng nghiệp chất lượng như thế, các bậc phụ huynh phải rèn luyện cho con những kỹ năng giao tiếp cần thiết để con tự tin khi trò chuyện và duy trì xây dựng mối quan hệ bền vững.
“Khi còn trẻ, chẳng có cách nào trau dồi bản thân tốt hơn việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp tốt, thành công, cơ hội sẽ tự tìm tới bạn. Tấm bằng duy nhất tôi treo trong phòng là giấy chứng nhận giao tiếp được chính tay Dale Carnegie trao cho vào năm 1952. Thiếu kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ chẳng thể thuyết phục ai dù tài năng tới mức nào đi nữa”, tỷ phú Warren Buffett từng nói. Nhà đầu tư vĩ đại của nước Mỹ cũng đã từng nhấn mạnh rằng kỹ năng giao tiếp sẽ giúp con người gia tăng 50% giá trị của bản thân, là kỹ năng thật sự cần thiết nếu muốn thành công trong cuộc sống.
Rèn luyện kỹ năng giao tiếp không chỉ dừng lại ở các cuộc trò chuyện thường ngày để mở rộng quan hệ mà nó còn là tiền đề cho những kỹ năng quan trọng khác sau này. Trẻ có khả năng giao tiếp tốt từ nhỏ sẽ dễ dàng làm chủ cuộc chơi ở môi trường mới hay chinh phục hoàn hảo những bài thuyết trình trước lớp và những cuộc thi hùng biện trình bày quan điểm trước hàng trăm ngàn khán giả. Kỹ năng giao tiếp thuyết trình cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà tuyển dụng ngày nay yêu cầu.
6. Năng lực cảm xúc
Cảm xúc là một loại năng lực bẩm sinh; ai mới sinh ra ai cũng đã biết vui biết buồn. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể kiểm soát được cảm xúc của mình, đặc biệt là trẻ em. Chúng luôn tự do bộc lộ các cảm xúc hỷ nộ ái ố, chẳng hạn như cười khi được khen ngợi hay khóc toáng lên vì không có được thứ mình muốn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ muốn trẻ thành công và trở thành vĩ nhân trong tương lai, các bậc phụ huynh buộc phải tôi luyện cho con mình cách kiềm chế cảm xúc và sử dụng nó như một năng lực tối cao, để không chỉ kiểm soát bản thân mà còn nắm rõ suy nghĩ và hành động của người khác.
Một người lãnh đạo tài năng là người biết cách kiềm chế cảm xúc và tiếp tục giữ lửa cho toàn thể nhân viên, ngay cả trong những tình huống xấu nhất. Họ làm được như vậy bởi vì ngay từ bé, các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng đã được tôi luyện khả năng kiểm soát bản thân. Michael Wheeler, tác giả của cuốn “Nghệ thuật đàm phán: Làm thế nào để tăng khả năng thành công trong một thế giới hỗn loạn” đã chỉ ra rằng: “Trọng tâm của việc kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ là khả năng tự nhận thức hay khả năng cảm nhận được những rung động đầu tiên của sự tức giận hay lo lắng”. Nếu quan sát kỹ Bill Gates, Jack Ma và những người giàu có khác, mọi người sẽ thấy họ hầu như không bao giờ nổi giận ở nơi công cộng. Bởi lẽ, những người này sở hữu khả năng kiểm soát cảm xúc tới mức hoàn hảo. Điều này cũng mang lại cho họ lợi thế lớn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp và cuộc sống.