Một diễn giả giỏi phải có sự tự tin. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi để có thể đứng trên sân khấu và nói trước hàng trăm khán giả, người nói phải trang bị cho mình một nội dung thuyết trình thật hấp dẫn và thú vị.
Không phải tự nhiên một người thuyết trình có thể thoải mái đứng trên sân khấu chia sẻ về một vấn đề nào đó. Những kiến thức họ nói ra đều phải được biên soạn kỹ lưỡng, trau chuốt từng câu, từng chữ một. Nhưng cũng có rất nhiều diễn giả dẫu chỉnh sửa nội dung rất nhiều lần nhưng bài nói vẫn không đủ thuyết phục người nghe. Đó là vì họ chưa có phương pháp để xây dựng nội dung bài thuyết trình.
Xác định đối tượng nghe
Để biên soạn nội dung thuyết trình được hấp dẫn, cần phải biết chính xác người nghe là ai để có thể xây dựng hướng đi của bài thuyết trình cũng như cách truyền tải bài đúng đắn. Mỗi độ tuổi, mỗi nhóm người sẽ có tính cách và nhu cầu nghe khác nhau nên những nội dung truyền tải cần phải được xây dựng sao cho phù hợp.
Việc xác định khán giả thông qua các câu hỏi: Họ là ai, Họ quan tâm điều gì và Mục đích họ lắng nghe bài thuyết trình này là gì? sẽ giúp thấu hiểu các thính giả để từ đó thiết kế bài nói hấp dẫn hơn. Càng xác định được cụ thể khán giả, người thuyết trình sẽ càng dễ dàng thuyết phục đối tượng nghe và việc truyền tải nội dung sẽ trở nên hiệu quả.
Sẽ chẳng có gì hấp dẫn nếu người thuyết trình cứ thao thao bất tuyệt về những kiến thức khô khan như chính trị, văn hóa với những khán giả trẻ chỉ từ 15 đến 20 tuổi. Và sẽ thật nực cười nếu đứng trước những doanh nhân thành đạt, những người ưu tú trong xã hội và kể cho họ nghe những câu chuyện scandal tình cảm của giới giải trí. Ví như việc nếu muốn tìm hiểu về kiến thức kinh tế hay kỹ năng sống thì người ta sẽ tìm đến Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, còn nếu muốn khám phá tiềm năng của chính mình thì họ sẽ trở thành học trò của Giản Tư Trung – một nhà giáo dục theo đuổi con đường dẫn dắt cho giới trẻ. Bởi lẽ, những bài diễn thuyết của hai thầy luôn được xây dựng để hướng đến những nhóm đối tượng riêng và nội dung bài sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục đích của người nghe.
Xác định đối tượng nghe là bước đầu trong việc định hướng cho toàn bài thuyết trình, đóng vai trò quan trọng đến sự thành bại của phần trình bày. Cùng một vấn đề nhưng nội dung truyền tải sẽ được điều chỉnh để phù hợp. Bởi cốt lõi của thuyết trình không phải là nói cái mình muốn mà là chia sẻ câu chuyện khán giả thật sự muốn nghe.
Xác định khán giả là ai sẽ giúp cho người diễn giả thiết kế bài nói hấp dẫn hơn.
Thấu hiểu chủ đề bài nói
Mỗi bài thuyết trình đều có một chủ đề chính và diễn giả phải thực sự nắm được hết những kiến thức, những câu chuyện xoay quanh chủ đề đó. Người thuyết trình phải hiểu rõ nội dung mình muốn truyền đạt thì mới có thể đưa ra những phương án triển khai phù hợp để cân bằng giữa tính chất chuyên môn và khả năng thấu hiểu của người nghe.
Như trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, nguyên nhân đa phần của những thương vụ thất bại đều bắt nguồn từ chính nhà khởi nghiệp không hiểu rõ công ty của mình và trả lời ấp úng trước các câu hỏi đặt ra. Chẳng ai muốn đầu tư tiền cho một người chủ mơ hồ thông tin về doanh nghiệp của mình và cũng chẳng ai có thể tin tưởng một người bán hàng nhưng lại chẳng hiểu hết về sản phẩm và những điều người đó nói ra.
Thời gian bắt đầu, địa điểm và thời lượng cho phép của bài thuyết trình là những yếu tố căn bản nhưng cũng vô cùng quan trọng mà diễn giả phải nắm rõ ngay khi bắt đầu đặt bút soạn bài. Xác định những điều này sẽ giúp người nói thiết kế bài thuyết trình hợp lý, đồng thời có thêm sự chủ động hơn khi trình bày.
Xây dựng nội dung bài thuyết trình
Sau khi đã xác định đối tượng nghe, chủ đề nói, thời gian trình bày, việc cần làm của diễn giả lúc này là thiết kế một bài thuyết trình hoàn chỉnh và thích hợp với những điều kể trên. Tự mình đưa ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề chính và giải đáp chúng bằng kiến thức mà bản thân đã tìm hiểu kỹ lưỡng thông qua đời sống hay các phương tiện truyền thông để bài nói mang tính chuyên sâu hơn.
Sau khi giải đáp hết những câu hỏi đó, người thuyết trình sẽ có cho mình một danh sách các ý xoay quanh chủ đề để từ đó bắt đầu triển khai nội dung. Việc cần làm của người biên soạn là chọn lọc và sắp xếp những ý kiến này thành các nhóm luận điểm chính. Một bài thuyết trình thường sẽ có 3 luận điểm lớn và những luận điểm này phải mang tính định hướng cho toàn bài, ví như xương sống của phần thuyết trình để phát triển các ý bên trong.
Những câu trả lời cho các thắc mắc về chủ đề chính sẽ là ý triển khai cho nội dung bài nói
Có rất nhiều phương pháp để trình bày các luận điểm. Một bài thuyết trình có thể chọn triển khai theo cách dễ hiểu nhất là đi theo thứ tự sau: nêu luận điểm, phân tích, đưa ra các ví dụ và cuối cùng là đánh giá và kết luận. Đây là hướng phát triển an toàn, đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, là bố cục hợp logic và giúp các thính giả tiếp cận vấn đề từng bước một để họ có thể thấu hiểu những kiến thức mà người thuyết trình truyền tải.
Khi phân tích luận điểm, cần tập trung vào trọng tâm của vấn đề, tránh lan man dài dòng, gây buồn ngủ cho khán giả. Các ví dụ thêm vào phải được chắt lọc và mang tính chất cụ thể, là những câu chuyện truyền cảm hứng hay có thể lấy từ chính những trải nghiệm cuộc sống của diễn giả để tăng phần thuyết phục. Đánh giá và kết luận là những bước không thể thiếu bởi đây sẽ là phần chốt lại vấn đề, cô đọng lại các ý đã triển khai để người nghe ghi nhớ lâu hơn.
Một bài thuyết trình hoàn chỉnh phải được kết thúc một cách trọn vẹn và để lại ấn tượng trong lòng người nghe. Kết bài sẽ tổng kết lại toàn bộ nội dung bài trình bày, nhất là các điểm chính yếu, gói gọn lại tất cả thông qua vài câu nói cuối cùng để khán giả dễ ghi nhớ nhất. Những câu nói cuối bài tuy ngắn gọn nhưng vẫn phải đủ độ sâu để tạo cho khán giả sự suy ngẫm cũng như truyền cảm hứng và thúc đẩy họ hành động. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc của Học viện kỹ năng VTALK đã chia sẻ: “Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một nhà diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình, theo cách dễ hiểu và ấn tượng nhất, thôi thúc hành động và sự suy tư cho khán giả.” Cái hay của mỗi người diễn giả là khả năng đúc kết kiến thức theo cách riêng và truyền cảm hứng cho người nghe để làm sao khi kết thúc một bài trình bày, người nghe sẽ nhận được điều gì đó và biến nó thành hành động có ích cho cuộc sống và xã hội.
Abraham Lincoln – vị tổng thống đáng kính của nước Mỹ đã nói: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”. Việc thuyết trình cũng vậy. Để có được những giây phút tỏa sáng trên sân khấu, người diễn giả phải đầu tư công sức nhiều giờ liền để chuẩn bị cho nội dung bài thuyết trình được hoàn hảo bằng việc áp dụng những phương pháp đã kể trên. Có như vậy, bài nói mới có thể chạm được đến người nghe.