Đại học là môi trường tuyệt vời để sinh viên chuẩn bị trước khi bước chân vào thị trường lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng hết những năm đại học để trau dồi bản thân ngoài lượng kiến thức chuyên môn được dạy.
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 400.000 cử nhân tốt nghiệp đại học hằng năm. Con số này cho thấy, việc học ngày nay đã không còn khó khăn như lúc trước, giáo dục đã phát triển và cơ hội dành cho mỗi người là vô kể. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta cứ nghĩ rằng, đại học chỉ đơn giản là trường học, là nơi để sinh viên học tập và rèn luyện kiến thức chuyên môn. Nếu cứ giữ mãi suy nghĩ đó thì con số 200.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường là điều vô cùng dễ hiểu. Ông trùm kinh doanh Bill Gates đã nói rằng: “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Việc tận dụng môi trường đại học để rèn luyện khả năng cho bản thân là nhiệm vụ mà không phải sinh viên nào cũng thực hiện được.
Đa phần thời gian đào tạo tại các trường đại học sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm học tập trung theo quy định, có nhiều ngành nghề yêu cầu chuyên môn cao thì sẽ kéo dài lâu hơn. Trong suốt khoảng thời gian đó, ngoài lượng kiến thức chuyên ngành phục vụ cho công việc trong tương lai theo định hướng của mỗi người, đại học còn là môi trường thuận lợi để sinh viên gia tăng trải nghiệm của mình. Năm 2022, theo ghi nhận trên trang web việc làm ZipRecruiter, hơn 6 triệu đầu việc yêu cầu ứng viên phải có những kỹ năng mềm kèm theo hơn là chỉ có những kiến thức sách vở. Hàng trăm ngàn sinh viên ra trường than trời trước những yêu cầu của nhà tuyển dụng vì họ cho rằng, họ không có đủ thời gian để trau dồi cho mình những điều đó. Nguyên nhân là do sinh viên chưa thực sự tận dụng tốt môi trường đại học, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân và tích lũy kinh nghiệm cho mình.
Sau nhiều năm học tập, hành trang bước vào thị trường lao động của sinh viên chỉ dừng lại về mặt lý thuyết, còn những yếu tố được các nhà tuyển dụng quan tâm lại không hề có. Vậy những yếu tố đó là gì và sinh viên sẽ trau dồi nó như thế nào nơi giảng đường đại học?
1. Mở rộng tư duy
Khác biệt giữa việc học phổ thông với học đại học là trường phổ thông chỉ cung cấp kiến thức căn bản cho người học, còn ở đại học dạy phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề. Hầu hết các môn học tại đại học sẽ đưa ra các tình huống đang diễn ra trong thực tế và yêu cầu sinh viên tìm kiếm phương hướng giải quyết. Việc này giúp sinh viên có cái nhìn khách quan hơn về thị trường và đời sống, thấu hiểu rõ hơn nỗi đau của người trong ngành và khó khăn của công việc mà mình muốn làm trong tương lai. Thông qua các bài tập tình huống và kinh nghiệm được truyền lại từ giảng viên, người học sẽ mở rộng kiến thức thực tế, tăng thêm trải nghiệm cho bản thân và rèn luyện khả năng nhìn nhận vấn đề cách bao quát không chỉ trong công việc mà còn trong chính cuộc sống của mình. Từ đó, sinh viên sẽ tự tin hơn khi gặp những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng, bình tĩnh hơn trước các thử thách nơi doanh nghiệp và bản lĩnh hơn trong các vấn đề gặp phải, giúp nâng cao vai trò và giá trị mang lại cho công ty trong việc làm sau này.
Đồng thời, đại học còn là nơi nuôi dưỡng nhận thức của người học theo cách văn minh và hiện đại hơn, là cơ hội để sinh viên tiếp nhận với thế giới từ đó thôi thúc mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ngày càng hoàn thiện bản thân theo hướng toàn cầu hóa để trở nên người công dân toàn diện của xã hội.
Nhờ đại học, người học sẽ mở rộng kiến thức thực tế, tăng thêm trải nghiệm.
2. Mối quan hệ
Đại học không phải là nơi duy nhất để chúng ta mở rộng vòng tròn quan hệ nhưng là nơi dễ dàng nhất để sinh viên tìm thấy những người bạn chất lượng. Bởi giảng đường là nơi quy tụ những người có chung đam mê, lý tưởng và sở thích giống như chúng ta. Họ đều là yêu thích môn học đó, ngành nghề đó và cùng có chung mục tiêu sau khi ra trường nên mong muốn phát triển của cả hai sẽ có những điểm tương đồng để có thể hỗ trợ lẫn nhau. Henry Ford là người sáng lập Công ty Ford Motor nói rằng: “Nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, thành công sẽ tự nó đến”. Vì nếu chúng ta được ở cùng những người có chung định hướng, chúng ta có thể cùng nhau cố gắng để chạy về đích.
Ví như đôi bạn thân nổi tiếng của giới nhà văn thế giới là C.S. Lewis và JRR Tolkien, cha đẻ của hai bộ tiểu thuyết đồ sộ Biên niên sử Narnia và Chúa tể những chiếc nhẫn. Họ biết nhau khi học chung tại trường đại học danh tiếng Oxford, cùng nhau rèn luyện và phát triển, nâng đỡ nhau trong các vấn đề về thần học và trong cuộc sống của mỗi người. Tình bạn của họ duy trì từ những ngày tháng thanh niên cho đến lúc về già khiến nhiều người phải khâm phục và ngưỡng mộ. \
Đôi bạn thân nổi tiếng của giới nhà văn thế giới là C.S. Lewis và JRR Tolkien.
Nếu tìm được một người tri kỷ kết nối bền chặt trong cuộc sống ngay từ đại học là một điều vô cùng may mắn. Nhưng đại học còn cho ta những mối quan hệ bạn bè mà nhiều năm sau gặp lại, họ có thể là quý nhân của mình hay là người cho mình những định hướng đúng đắn trong cuộc đời. Tham gia các khóa học, câu lạc bộ hay những chương trình được tổ chức định kỳ là cơ hội để chúng ta quen biết thêm nhiều người bạn mới, tiếp xúc với nhiều người tài giỏi để học hỏi những điều tốt đẹp từ họ. Điều đó không chỉ cho chúng ta những kết nối mới mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, phát triển khả năng thích nghi của bản thân.
3. Rèn luyện kỹ năng mềm
Ian Siegel, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của ZipRecruiter, cho biết trong báo cáo The Job Market Outlook for Grads (Triển vọng về thị trường nghề nghiệp dành sinh viên tốt nghiệp) rằng: “93% nhà tuyển dụng quan điểm kỹ năng mềm đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của họ về việc muốn tuyển dụng một ai đó”. Những kỹ năng này bao gồm như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình hay kỹ năng tin học,… và đại học là nơi tốt nhất cho sinh viên rèn luyện những kỹ năng mềm này một cách miễn phí. Bởi doanh nghiệp không phải là nơi để chúng ta được phép thử nghiệm quá nhiều lần nhưng đại học cho phép sinh viên làm điều đó.
Đại học là môi trường để sinh viên tìm kiếm nhiều nhóm bạn khác nhau để rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, học cách làm việc nhóm và thích nghi với tập thể, đồng thời mang lại cho sinh viên rất nhiều cơ hội để thuyết trình trước lớp, trước giảng viên và trường học, để sinh viên có quyền được trải nghiệm và nhận ra những thiếu sót của bản thân mà tìm cách sửa chữa trước khi bước vào thị trường lao động. Vì theo như ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Đọc 100 cuốn sách hay có thể thành chuyên gia trong ngành, nhưng riêng thuyết trình thì cần rèn luyện”. Và đại học chính là nơi lý tưởng nhất để sinh viên được trau dồi những kỹ năng giúp người học tự tin hơn khi đứng trước nhà tuyển dụng. Rèn luyện những kỹ năng mềm kể trên không chỉ giúp cho sinh viên phát triển bản thân cách toàn diện mà hơn hết, nó mang lại cho sinh viên cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến sự nghiệp trong tương lai vì chẳng có một doanh nghiệp hay lãnh đạo nào muốn nhận một người không thể nói về bản thân hay dự án của mình cách trôi chảy trước nhiều người.
Sinh viên là nguồn nhân lực của đất nước nhưng trước tình trạng kinh tế có dấu hiệu suy thoái như hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng gắt gao hơn trong việc tuyển dụng nhân sự. Đại học chính là môi trường lý tưởng để sinh viên chuẩn bị hành trang cho mình trước khi bước vào thị trường lao động. Đừng để những năm ngồi trên ghế giảng đường trôi qua một cách vô nghĩa.
Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh