4 Nguyên nhân dẫn đến mất tự tin khi thuyết trình mà sinh viên nên biết.

25-02-2023

Theo một nghiên cứu, thuyết trình là “cơn ác mộng khủng khiếp” của hơn 75% dân số, thậm chí 10% trong số đó mất kiểm soát khi nghĩ đến nó. Nỗi sợ này với nhiều người còn lớn hơn cả “sợ chết”.

Đại học là môi trường rèn luyện phù hợp để các bạn sinh viên được dịp rèn luyện khả năng của mình, đặc biệt là trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai sau này, ví dụ như kỹ năng tin học, giao tiếp thuyết trình, làm việc nhóm,… Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên hiện nay tuy sắp rời khỏi ghế giảng đường nhưng vẫn không thể tự tin đứng trước lớp trình bày dự án của mình. Thậm chí, đối với nhiều bạn, thuyết trình còn là nỗi sợ lớn nhất trong cuộc đời. 

Theo mô tả, các triệu chứng của nỗi sợ thuyết trình bao gồm: Đau thắt dạ dày, ra mồ hôi tay, khô miệng, cổ họng đặc lại… Những biểu hiện này bắt nguồn từ Adrenaline – một loại hóc môn căng thẳng – giải phóng trong cơ thể; đây là phản ứng tự nhiên của con người khi bị săn đuổi hay đối mặt với thú dữ… Khi đó, cơ thể buộc ta phải chuyển sang trạng thái hành động để chạy trốn khỏi sự đe dọa cực độ đang đến. Nhưng tại sao việc đứng trước đám đông lại có thể khiến con người cảm thấy lo sợ nhiều đến vậy? 

Để rõ hơn, chúng ta hãy tham khảo 5 nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông sau đây:

1. Sự mất cân bằng về serotonin trong não 

Mất cân bằng về serotonin (hoạt chất giúp chuyển tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác) được gọi là hiện tượng mất cân bằng hóa học trong não dẫn đến sự truyền đạt thông tin giữa các vùng nào bị rối loạn. Khi mất cân bằng hay thiếu hụt serotonin sẽ khiến chúng ta gặp trạng thái lo lắng, bồn chồn, mất tập trung. Các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân của triệu chứng này đến từ yếu tố di truyền cũng như các yếu tố môi trường và xã hội (căng thẳng quá mức). Triệu chứng này sẽ gây ra tình trạng lo âu, sợ hãi và cảm thấy vô cùng bất an dẫn đến việc mất bình tĩnh và quên mất việc mình cần phải làm tiếp theo. 

Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thuyết trình và thậm chí người mất cân bằng serotonin sẽ chẳng thể làm bất cứ điều gì. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn giữa việc lo sợ dẫn đến mất cân bằng và càng cảm thấy lo lắng hơn.

 

2. Do tác động của môi trường

Một số người có khả năng thích ứng kém nên khi đến sống hay làm việc tại một môi trường mới thì có thể mắc chứng “run khi đứng trước đám đông” này. Họ cảm thấy lo sợ khi phải đối mặt với những con người xa lạ và điều đó khiến họ căng thẳng kinh khủng. Lúc này, run rẩy, mệt mỏi, đổ mồ hôi là những triệu chứng dễ thấy nhất. Điều tệ nhất là những điều này sẽ thể hiện khi người thuyết trình đã đứng trên sân khấu và cảm thấy bị ngợp trước không gian rộng lớn chỉ toàn người xa lạ. Lúc này, bài trình bày sẽ trở nên tồi tệ và không còn hấp dẫn với khán giả nữa.

Để giải quyết điều này, trước khi bước ra trình bày, hãy hít thở sâu, thả lỏng để cơ thể thư giãn hơn; các cử chỉ, hành động phải dứt khoát; hãy đứng thẳng người, hai chân vững vàng trên mặt đất, giao tiếp với mọi người bằng mắt và thường xuyên mỉm cười.

 

Họ cảm thấy lo sợ khi phải đối mặt với những con người xa lạ.

 

3. Thiếu chuẩn bị dẫn đến căng thẳng lo sợ

Đây là một nguyên nhân chủ quan mà mỗi người có thể khắc phục được. Theo một số nghiên cứu, việc chuẩn bị, luyện tập kỹ lưỡng bài trình bày sẽ giúp giảm đến 75% cảm giác run sợ trước đám đông. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Đọc 100 cuốn sách hay có thể thành chuyên gia trong ngành, nhưng riêng thuyết trình thì cần rèn luyện”. Vì vậy, đầu tư thời gian và công sức để chuẩn bị bài trình bày là cách hữu hiệu để giảm thiểu lo lắng và nâng cao sự tự tin trước đám đông. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước thì chắc chắn phần trình bày sẽ trôi chảy hơn và nó sẽ là động lực để người nói tiếp tục phát huy và dần dần sẽ không còn cảm thấy run sợ khi đứng trước đám đông nữa. 

Việc học thuộc nội dung bài nói có thể không phải là cách tối ưu nhất để có một phần thuyết trình hoàn hảo nhưng đối với những người mới bắt đầu nhiệm vụ này, đây là cách đơn giản nhất để họ có thêm tự tin và an tâm hơn khi bước lên sân khấu. Chuẩn bị kỹ nội dung, thời gian và địa điểm, nắm rõ tiến trình buổi trình bày bằng cách bàn bạc thật kỹ với người tổ chức và MC là những hành động chúng ta có thể làm để mọi thứ diễn ra trơn tru hơn. Từ đó, tự bản thân mình sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

 

4. Tự ti về ngoại hình, năng lực bản thân 

Rất nhiều người cảm thấy ái ngại với việc đứng nói trước đám đông vì sự tự ti sâu thẳm bên trong họ. Đó là nỗi sợ bị đánh giá về ngoại hình. Họ sợ vẻ bề ngoài của mình sẽ bị đánh giá và cảm thấy không đủ tự tin để thuyết trình. Đây cũng là bản năng phòng vệ của những người đã gặp nhiều tổn thương và không hài lòng về bản thân, từ ngoại hình cho đến khả năng của mình. Vì không muốn bị đánh giá, vì sợ bị mọi người nhận xét và chê bai nên họ không muốn thể hiện bản thân trước đám đông. 

Cách khắc phục nhanh nhất là chúng ta có thể chuẩn bị một bộ trang phục mà mình cảm thấy tự tin nhất khi diện, trang điểm và quan trọng nhất là luyện tập thật kỹ để tự tin vào năng lực của mình. Những điều này sẽ giúp tâm lý chúng ta vững vàng hơn và việc trình bày sẽ thu hút hơn. Việc chỉn chu trong quần áo, phụ kiện cũng giúp người thuyết trình tăng thêm điểm cộng trong mắt khán giả. 

Brian Tracy, một diễn giả và tác giả người Mỹ gốc Canada chuyên về chủ đề phát triển bản thân đã nhận định rằng: “Cách duy nhất để chiến thắng nỗi sợ là làm điều bạn sợ”. Việc trốn chạy nỗi sợ sẽ không thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Việc thuyết trình cũng vậy. Để cải thiện nỗi sợ nói trước đám đông, chúng ta buộc phải nhìn nhận thật rõ nguyên nhân gây ra và tìm ra giải pháp cải thiện. Tuyệt đối đừng bỏ cuộc, đừng nghĩ rằng bản thân không thể và từ bỏ nó. Nếu như thế, chúng ta mãi mãi không thể chiến thắng nỗi sợ vô hình này. 

Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh

Bình luận của bạn