Nếu nói giao tiếp thuyết trình là một nghệ thuật thì người thuyết trình là một nghệ sĩ. Và trên sân khấu trình diễn, ít ai biết, ngoài những lập luận thuyết phục, những câu từ văn hoa thì ngôn ngữ cơ thể cũng là một đạo cụ quan trọng giúp diễn giả tỏa sáng.
Chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ cơ thể, Allan Pease chia sẻ, khoảng 60-80% những thông điệp chúng ta truyền tải đều qua ngôn ngữ cơ thể. Một chứng minh cho thấy lời nói chỉ chiếm 35% trong giao tiếp, 65% còn lại thuộc về ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ cơ thể sẽ để lộ ý định thật sự của người nói. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, đa phần mọi người đều có ý nghĩ sai lầm rằng người nghe chỉ tập trung vào nội dung truyền tải mà quên mất khán giả cũng “lắng nghe bằng ánh mắt”, tức khi một người đang thuyết trình trên sân khấu, cơ thể họ còn nói nhiều hơn họ. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Thuyết trình là phần trình diễn bằng tất cả các giác quan nhằm thuyết phục bộ não người nghe”. Cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không, tất cả các hành vi phi ngôn ngữ đến từ cơ thể như tư thế, ngữ điệu, cử chỉ thực hiện và mức độ giao tiếp bằng mắt đều sẽ mang đến những thông điệp mạnh mẽ.
Vậy sử dụng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ cơ thể như thế nào để bài thuyết trình trở nên thuyết phục hơn? Các phương pháp sau đây sẽ cho chúng ta biết điều đó.
1. Ngôn ngữ cơ thể trong thuyết trình qua ánh mắt
Người Việt vẫn thường nói: đôi mắt là cửa sổ tâm hồn bởi nó là bộ phận duy nhất diễn tả được cảm xúc, tâm trạng, thậm chí là thần thái tinh anh của một con người. Các nhà nhân loại học nghĩ đôi mắt của con người đặc biệt phát triển nhằm giúp ta đạt được mức độ hợp tác cao hơn, truyền đi chính xác và rõ ràng ý nghĩ, thông điệp hơn. Trong thuyết trình, đôi mắt là công cụ làm nhiệm vụ truyền tải thông tin chuẩn xác nhất. Một người có kinh nghiệm sẽ vận dụng ánh mắt một cách thích hợp và khéo léo để thể hiện tình cảm, cũng như lan tỏa đến người nghe. Do đó, khi thuyết trình, hãy sử dụng ánh mắt để tương tác với người nghe như thể đang nói chuyện với họ để tạo cảm giác thân thiện và gần gũi.
Có thể thể hiện ngôn ngữ cơ thể mắt trong thuyết trình bằng cách:
– Nhìn thẳng: Nhìn về phía trước, điểm nhìn phải rơi vào giữa mặt của người nghe. Vì đa số mọi người có tâm lý e ngại khi phải nhìn thẳng vào mắt ai đó nên hãy giữ tầm mắt hướng lên một chút và thay vì nhìn thẳng vào một người hãy di chuyển linh hoạt và hướng đến những người khác nữa.
– Nhìn theo hình vòng tròn: Mắt của người thuyết trình phải quét từ phải sang trái, từ trước ra sau, tiếp xúc ánh mắt của toàn thể người nghe, tăng cường liên hệ ánh mắt giữa 2 bên. Đừng chỉ ngước lên trên hay tập trung nhìn sang trái hoặc phải vì như vậy người nghe sẽ có cảm giác diễn giả đang giấu giếm, lảng tránh, thậm chí nói dối. Hãy giao tiếp bằng ánh mắt với toàn bộ người ngồi trong khán phòng, đừng quá tập trung vào một người mà bỏ quên những khán giả có vị trí ngồi không thuận lợi.
2. Nụ cười và biểu cảm của gương mặt
Ngạn ngữ Hàn Quốc nói rằng: “Bạn không thể nhổ nước bọt vào một khuôn mặt đang cười”, vì thể chẳng có lý do gì để chúng ta từ chối sử dụng nó trong buổi thuyết trình. Khi nói trước đám đông, nụ cười sẽ tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa người thuyết trình và khán giả. Ngoài ra, nó còn giúp người nói “đánh bay” căng thẳng, sự khô khan khi phải truyền đạt những lý luận khoa học mang tính trừu tượng.
Bên cạnh đó, biểu hiện khuôn mặt cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Các nhà tâm lý phát hiện ra rằng, trong những cuộc giao tiếp, truyền đạt thông tin cần có 12% ngôn ngữ cộng thêm 38% giọng nói và thêm 50% nét mặt. Đừng khiến khán giả nhìn lên sân khấu và thấy một pho tượng biết nói. Biểu cảm của gương mặt lúc này phải thật tự nhiên, thay đổi linh hoạt các nét mặt, sử dụng hợp lý các cử chỉ như đôi mắt, lông mày và đôi môi tùy theo câu chuyện chúng ta đang kể. Đây cũng chính là cách giúp xây dựng sự tự tin và thể hiện bài trình bày thuyết phục hơn.
Nụ cười sẽ tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa người thuyết trình và khán giả.
3. Hành động của đôi tay
Não thường có thói quen ghi nhớ một câu chuyện khi nó được liên hệ với một hành động cụ thể. Đây chính là nguyên tắc của nghệ thuật trò chuyện bằng tay. Nếu muốn người nghe ấn tượng hơn về thông điệp truyền tải, diễn giả hãy nhấn nhá bài nói của mình tại những điểm quan trọng bằng một cử chỉ tay dứt khoát.
Tuy nhiên, không phải vận dụng tay lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Nếu không được sử dụng đúng hoặc lặp đi lặp lại quá nhiều lần sẽ mất đi sức mạnh của nó, đôi khi còn làm phản tác dụng. Đây chính là ngôn ngữ cơ thể trong thuyết trình bạn cần khắc cốt ghi tâm. Một điểm cần lưu ý đó là người thuyết trình không được đứng khoanh tay vì điều này sẽ khiến khán giả cảm thấy không được tôn trọng nhưng cũng không nên thường xuyên khua tay múa chân, thể hiện vẻ lóng ngóng, thiếu tự tin. Theo chuyên gia Allan Pease, hãy cố gắng chia sẻ bằng cách dùng cả hai tay và lòng bàn tay hướng ra ngoài, tránh cách chỉ trỏ một tay bởi sẽ rất dễ gây cảm giác ức chế vì bị ra lệnh.
4. Di chuyển để làm chủ sân khấu
Làm sao để người nghe không rời mắt theo dõi từng bước chân của mình khi thuyết trình? Câu trả lời rất đơn giản, người nói chỉ cần tưởng tượng bục giảng chính là sân khấu và trở thành nghệ sĩ “phiêu” theo câu chuyện của mình. Cũng giống như cách khán giả tập trung theo dõi những bước nhảy của một vũ công hay một ca sĩ, người thuyết trình cũng có thể khiến người nghe ngước nhìn những bước di chuyển nhẹ nhàng của mình để tránh gây nhàm chán và tạo được sự tương tác. Một dáng đi vững chãi, từ tốn, chậm rãi thể hiện sự chủ động và tự tin.
Đừng tỏ ra bồn chồn, bước đi vội vã hay do dự hãy chú ý để tránh vấp ngã hoặc va chạm với người khác. Tuy nhiên, tránh lạm dụng việc đi lại quá nhiều sẽ gây mất tập trung cho chính người nói và người nghe bên dưới.
5. Giọng nói trong ngôn ngữ cơ thể
Giọng nói chính là “vũ khí” quan trọng giúp bài thuyết trình thành công. Cùng 1 từ nhưng có thể biểu thị nhiều ý nghĩa khác nhau bằng cách thay đổi giọng điệu. Chúng ta thường thấy các diễn giả nổi tiếng đều sử dụng các cách phát âm đa dạng để diễn tả câu chuyện của mình. Không những thế họ còn thường xuyên thay đổi nhịp điệu của lời nói, tạo ra tiết tấu nhanh chậm khác nhau để thu hút khán giả. Chính vì thế, nếu muốn giữ thế chủ động, chúng ta hãy tập nói với sắc thái trung lập. Tập trung chú ý đến ngữ điệu trong giọng nói, tăng thái độ tích cực trong âm sắc. Hãy cho khán giả cảm nhận rằng mình đang thể hiện tình cảm qua giọng nói và cách kể chuyện của mình.
Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh