New year – New me: 8 Bí mật đổi mới bản thân cho Gen Z

28-12-2022

Xinh đẹp là điều ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng làm được. Đơn giản vì đến lúc bắt tay vào thực hiện những thói quen tốt thì lại chùn bước, không đủ kiên trì. Và cuộc đời chúng ta sẽ mãi nhàm chán như thế nếu không chịu thay đổi mỗi ngày.

Cuối năm là khoảng thời gian để mỗi người nhìn lại, xem thời gian qua mình đã làm được gì, đã thay đổi thế nào, tốt hơn hay tệ đi? Có nhiều người hài lòng với sự cố gắng của bản thân, có nhiều người nhìn lại thấy mình vẫn dậm chân tại chỗ. Sự khác biệt giữa hai nhóm này nằm ở việc kiên trì đổi mới bản thân từng ngày, từ những điều nhỏ bé nhất. 

Hãy thúc ép bản thân rèn luyện 8 điều dưới đây mỗi ngày, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thú vị và hạnh phúc hơn rất nhiều.

1. Nâng cao sự tự tin

Samuel Johnson là một tác giả, nhà phê bình văn học người Anh đã nhận định: “Tự tin là điều kiện đầu tiên để làm được những việc lớn lao”. Trong cuộc sống, chúng ta luôn bị thu hút bởi những người tài giỏi và dám thể hiện bản thân trước mọi người. Ở họ toát ra sức hút mạnh mẽ, tạo cho người khác sự tin tưởng và từ đó cơ hội sẽ đến với họ nhiều hơn. Vì thế, nếu chúng ta cảm thấy tự ti, không xứng kết giao với những người tốt đẹp thì hãy bắt đầu rèn luyện sự tự tin từ bây giờ. 

Mỗi ngày nhìn bản thân trong gương và nói: “Tôi rất giỏi. Tôi rất xinh đẹp. Tôi sẽ ngày càng ưu tú hơn. Tôi xứng đáng sở hữu cuộc sống tốt hơn nữa”. Hãy học cách bước ra đường với tâm thái tự tin nhất, ngẩng cao đầu mà đi. Tự tin trong cách ăn mặc, trong giao tiếp, trong khi làm việc hay trong những buổi thuyết trình dự án,… là cách để chúng ta nâng cao bản thân và thể hiện giá trị của mình với những người xung quanh. Hãy làm mọi điều khiến bản thân có thể tự hào.

2. Chăm chút vẻ ngoài

Chăm chút vẻ ngoài không phải là bắt ta giảm cân hay đóng khung quy chuẩn “gầy mới đẹp”, mà là rèn luyện sức khỏe, đủ sức để sống hoạt bát và xông pha. Chăm chút vẻ ngoài cũng không phải khoác lên người những bộ quần áo hàng hiệu, những trang sức mắc tiền mà là chỉn chu trong ăn mặc, trang phục phù hợp với hoàn cảnh để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người nhìn.

Chăm chút vẻ ngoài là khi ta học cách yêu bản thân và cho phép mình trở nên xinh đẹp theo định nghĩa của mỗi người. Nhưng đồng thời phải luôn chú ý đến sức khỏe, lắng nghe cơ thể từ bên trong. Vì nếu không có sức khỏe, gương mặt xinh đẹp đến mấy, dáng chuẩn đến đâu, giàu sang cỡ nào, cũng hóa thành bọt biển.

3. Bồi dưỡng khí chất

Nhiều người nghĩ rằng chỉ người sở hữu gương mặt đẹp trời ban mới sở hữu khí chất và vịn vào lý do để từ chối việc bồi dưỡng khí chất cho bản thân. Điều đó hoàn toàn sai lầm bởi khí chất hiện hữu sẵn bên trong mỗi người. Bất kể làm công việc gì, ở độ tuổi nào, khí chất sẽ khiến con người trở nên tự tin và xinh đẹp.

Đầu tóc gọn gàng; ăn vận lịch sự, hợp với dáng người; đi đứng thẳng lưng, tự tin nhìn thẳng; đối xử với mọi người bằng sự dịu dàng và chân thành, tự tin đứng nói trước đám đông để bày tỏ quan điểm là cách để chúng ta nâng cao hình ảnh của mình. Đọc nhiều sách, trải nghiệm nhân sinh để tu dưỡng nội hàm, bởi lẽ vẻ đẹp bên trong cũng có thể khiến ngoại hình trở nên rạng ngời.

4. Kiểm soát cảm xúc

Ổn định cảm xúc là phương pháp dưỡng sinh tốt nhất của một người. Người thông minh là người biết cách kiềm chế những cảm xúc tức giận, đặc biệt là khi giao tiếp, ứng xử với người khác. Không nên nổi trận lôi đình chỉ vì chút chuyện nhỏ nhặt, cũng không vì một chút thất bại mà suy sụp đau khổ triền miên. Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội để bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh hơn và nỗi buồn là dịp để chúng ta cân bằng lại cảm xúc bên trong mình. Học cách chấp nhận những điều xảy ra và an yên đón nhận nó như một lẽ tự nhiên của cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra, những khó khăn, thử thách, những đau khổ ấy đều có cách để thay đổi và vượt qua. 

Chỉ khi ta tôi luyện cho mình một tâm thái tích cực, vững vàng trước những giông bão thì cho dù chìm trong bể khổ cũng có thể tìm thấy ánh sáng dẫn lối. Hãy là người kiểm soát cảm xúc trong mọi tình huống, ổn định trong tư duy và hành động, tôn trọng chính mình, sau đó mới đủ tư cách để được yêu thương và tôn trọng.

Học cách tôi luyện cho mình một tâm thái tích cực, vững vàng trước những giông bão. \

5. Học cách buông bỏ thể diện

Trong cuộc sống, không ai là không có sĩ diện nhưng người bản lĩnh là người dám buông bỏ thể diện, hạ mình xuống để biết ơn những thứ mình đang có và học hỏi thêm những điều mới từ người xung quanh. Thể diện chỉ là thứ để người khác nhìn vào bên ngoài còn điều chứng minh sự tốt đẹp và giá trị của một người là nội hàm sâu bên trong. 

Có người chấp nhận “mất mặt” để thực hiện cái lớn lao, họ bớt đặt nặng thể diện để nắm lấy cơ hội nâng cao giá trị của bản thân. Ví như Lưu Bị ngày xưa đã từng bỏ hết mặt mũi, đích thân ba lần đến lều cỏ mới mời được Gia Cát Lượng xuất núi để cùng ông mưu tính chuyện đại sự. Ấy thế mà có rất nhiều người chỉ vì cái danh bên ngoài mà hành hạ chính bản thân mình, khiến con đường mình đi trở nên khó khăn hơn. 

6. Học cách kiểm soát cái miệng

Tuân Tử là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc đã từng dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Học cách im lặng cũng là học cách nâng cao trí tuệ của mình. 

Điều kkông nên nói thì tuyệt đối phải giữ trong lòng bởi chỉ cần hé lộ một câu cũng mang đến những hiểm họa khôn lường. Đặc biệt là những điều liên quan đến đời sống cá nhân như: tình hình kinh tế của gia đình, mâu thuẫn với người yêu, mục tiêu và kế hoạch của công ty, dự định trong tương lai… hay những chuyện mà người khác tin tưởng tâm sự cùng mình. Kiểm soát lời nói trong giao tiếp là bí quyết để chúng ta nâng tầm giá trị của mình trong mắt người khác.

Người trưởng thành là người nghe nhiều hơn nói, là người nỗ lực trong âm thầm, dựa vào năng lực để giành lấy cơ hội. Khiêm tốn, cố gắng để trở thành phiên bản mình mong muốn nhất. 

7. Luyện tầm nhìn xa trông rộng

Tầm nhìn, hay đó chính là năng lực nhìn thấy quy luật phát triển của một việc. Cùng một vấn đề, người có tầm nhìn xa sẽ có cách cảm nhận khác và đưa ra phương án giải quyết hiệu quả hơn người có cái nhìn chủ quan và phiến diện. Để rèn luyện tầm nhìn xa trông rộng, trước hết phải cố gắng hòa mình vào cuộc sống, cảm nhận từng chi tiết, từng điều nhỏ nhặt nhất. Hãy trở thành người sống hết mình ở hiện tại, hoàn thành từ những nhiệm vụ đơn giản đến phức tạp nhất để từng bước nâng cao năng lực, bước ra khỏi vùng an toàn của mình để mạnh mẽ trải nghiệm nhiều thứ mới lạ hơn.

Đồng thời, hãy mở rộng tâm hồn mình, loại bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, giữ cái đầu lạnh và học cách rèn luyện ánh mắt nhìn người nhạy bén để bản thân được thoải mái cảm nhận thế giới tươi đẹp này.

8. Rèn luyện tài ăn nói

Một người có tài ăn nói đã bước một chân vào vạch đích của thành công, dễ dàng thu phục lòng người, tạo dựng mối quan hệ. Bởi ở họ cho thấy được sự tự tin, khả năng làm chủ cuộc trò chuyện và tài dẫn dắt mọi người trong buổi giao tiếp. Song song với sự nâng cấp của tài ăn nói, sự tự tin và vận may cũng được cải thiện.

Có thể rèn luyện tài ăn nói từ điều nhỏ nhất, đó là luyện năng lực biểu đạt, bày tỏ ý kiến trong những buổi trò chuyện với bạn bè, người thân. Sau đó mới đến rèn luyện và khuếch đại sức ảnh hưởng của bản thân, thể hiện khả năng ăn nói trong những buổi lễ hay thuyết trình trên những sân khấu lớn như một người diễn giả chuyên nghiệp.

Hãy tập cách nói chuyện phối hợp với ngôn ngữ cơ thể, tốc độ nhả chữ và sử dụng câu từ, học cách thu hút người đối diện trong những cuộc trò chuyện hằng ngày, lấy đó làm cơ hội để luyện tập cho những dịp quan trọng hơn như những buổi trình bày trước đám đông. Từ đó mang lại những cơ hội trong công việc và cải thiện những mối quan hệ trong cuộc sống. 

Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh

Bình luận của bạn