Chỉ một câu hỏi về biển số xe, mình đã đứng nói chuyện với chú bảo vệ cả buổi. Và chỉ một câu tâm sự tưởng như “chẳng có gì”, lại khiến cả lớp ngồi nghe không chớp mắt.
Từ lạ thành quen nhờ biển số xe
Hôm nay mình học một buổi về giao tiếp. Cô có dạy cách để bắt chuyện với người khác sao cho thật tự nhiên và không bị gượng gạo. Một trong những điều mình nhớ nhất là: “Muốn mở đầu một cuộc trò chuyện, hãy tìm một điểm chung nào đó giữa mình và người kia”. Nghe thì thấy cũng hợp lý, nhưng lúc đó trong đầu mình vẫn nghĩ: “Điểm chung ở đâu mà tìm? Mình có quen họ đâu, biết gì về họ đâu mà phát hiện ra được?”
Thật ra, từ trước tới giờ, mình vẫn nghĩ việc trò chuyện với người lạ là điều rất khó. Mình thường cần thời gian, nói chuyện với ai đó đủ lâu hoặc gặp họ nhiều lần thì mới từ từ hiểu họ, rồi mới dần dần tìm thấy điểm chung nào đó để kết nối.
Sau buổi học, mình ra lấy xe về. Chú bảo vệ nhìn biển số xe mình rồi hỏi: “70 là ở Tây Ninh hả con?” chỉ một câu đơn giản vậy thôi. Mình bật cười, trả lời ngay: “Dạ đúng rồi chú”. Thế là mình với chú đứng nói chuyện thêm gần 10 phút, từ chuyện quê hương, chuyện người Tây Ninh lên Sài Gòn học, tới chuyện ăn uống, giọng nói, thời tiết quê nhà… Mình bất ngờ thật sự.
Hóa ra điểm chung không cần tìm lâu, chỉ cần mình chịu để ý một chút từ những thứ nhỏ xíu như biển số xe, cái áo đang mặc, món đồ người kia cầm trên tay, là mình đã có thể bắt đầu một câu chuyện rồi. Mình chợt nghĩ, có khi xung quanh mình lâu nay có nhiều người đã cố bắt chuyện theo cách này, nhưng mình lại không nhận ra.
Chẳng cần chuyện ly kỳ, chỉ cần là chính mình
Câu chuyện thứ hai đó là trong lớp hôm nay, có một bạn ngồi tâm sự với cô và cả lớp về một điều mà mình tin là nhiều người từng nghĩ tới, chỉ là không ai nói ra. Bạn ấy kể rằng bạn hay cảm thấy xung quanh ai cũng có vô số câu chuyện thú vị để kể. Ngày nào cũng thấy người ta có chuyện gì đó xảy ra – từ những chuyện ly kỳ, bất ngờ đến chuyện cảm xúc, drama hay hài hước. Còn bạn thì thấy mình… không có gì. Cuộc sống của bạn cứ lặng lẽ trôi, không có biến cố gì đáng kể, không có chuyện gì đủ “thu hút” để chia sẻ với người khác.
Bạn nói điều đó một cách nhẹ nhàng, không buồn bã, nhưng mình nghe vẫn thấy chạm. Cả lớp im lặng, lắng nghe bạn chia sẻ. Có lẽ vì ai cũng thấy mình ở trong những gì bạn nói.
Lúc đó, mình chợt nhận ra: “Ủa, bạn này có khiếu kể chuyện mà? Nãy giờ mình với cô ngồi nghe không sót chữ nào luôn, mà mình thật sự đang rất để tâm tới từng câu bạn nói ra”. Bạn không cần câu chuyện phải hấp dẫn hay phức tạp, chỉ cần kể đúng cảm xúc của mình, bằng một sự thành thật rất đời thường – và mình bị cuốn theo lúc nào không biết.
Sau khi bạn chia sẻ xong, cô mới từ tốn góp ý rằng đôi khi không phải bạn không có chuyện để kể, mà là bạn chọn kể khi bạn thật sự có điều gì đó muốn nói. Và điều đó rất quý. Trong một nhóm bạn, nếu ai cũng nói mà không ai lắng nghe, thì câu chuyện sẽ chẳng có giá trị gì cả. Việc bạn ít nói không phải vì bạn kém giao tiếp, mà là vì bạn đang chọn lọc, bạn muốn mỗi lời mình nói ra đều có lý do.
Và các bạn cũng đừng quá để ý người khác để rồi cố gắng trở thành giống như họ. Mỗi người có một cách sống, một nhịp điệu riêng. Mình không cần phải nói nhiều, không cần phải “có chuyện” mỗi ngày. Mình cứ là chính mình – thật thà, tự nhiên, như bạn nãy giờ ngồi chia sẻ, chính sự thật lòng đó mới là điều khiến người khác lắng nghe và để tâm.
Một cuộc trò chuyện có thể bắt đầu từ điều nhỏ xíu như một câu hỏi về biển số xe, và một câu chuyện tưởng như “chẳng có gì để kể” lại khiến cả lớp ngồi lặng nghe từng chữ.
Không cần cố gắng trở nên thú vị như ai đó, cũng không cần gồng mình phải “có chuyện để nói” mỗi ngày. Mình chỉ cần là chính mình, học cách để quan sát, đủ thành thật để sẻ chia, và đủ kiên nhẫn để lắng nghe. Vậy thôi, cũng là một cách để gần người khác hơn, và gần chính mình hơn nữa.