“Nói như cãi” và 3 sai lầm dễ mắc phải khi luyện tập tư duy phản biện

25-03-2024

Tư duy phản biện không phải là “tranh biện” như trên các cuộc thi…

Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ và đánh giá vấn đề một cách có hệ thống, khách quan và logic. Đó không đơn thuần là khả năng tranh luận hoặc phản đối, mà còn là quá trình xây dựng và thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc. Chúng ta phải tự đặt câu hỏi, chất vấn thông tin từ cái ta đọc, nghe, nói và viết, từ đó khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập chúng ta thường mắc phải những lầm tưởng khiến mục tiêu của tư duy phản biện trở nên không rõ ràng.

Gay gắt dò lỗi sai, căn ke từng chữ 

Khi mới bắt đầu luyện tập tư duy phản biện, bạn có thể không tránh khỏi ý nghĩ “nếu A Đúng thì B chắc chắn Sai”. Điều này dẫn đến thói quen “vạch lá tìm sâu – tìm kiếm khuyết điểm và lỗi sai trong lời nói, quan điểm của người khác để bảo vệ cho lập luận của bản thân. Tuy nhiên, thói quen này thường không đem lại kết quả tích cực trong quá trình luyện tập tư duy phản biện. Đây là một lỗi tư duy điển hình trên các trang mạng xã hội hoặc trong cuộc sống và được đa số người dùng sử dụng như phương pháp tranh luận.

Những cá nhân tư duy đúng sẽ đóng góp ý kiến để đối phương nhìn ra những điểm còn thiếu sót và ngược lại. Nếu chỉ săm soi và phủ nhận quan điểm của người khác, họ sẽ thường xuyên mắc phải sai lầm khi phản biện và hình thành thói quen đổ lỗi, áp đặt cái sai mà không nhìn ra được những chiều hướng khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây hại cho mọi người xung quanh khi những ý kiến họ đưa ra luôn bị bác bỏ và chỉ trích, từ đó gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các thành viên và ảnh hưởng đến kết quả cả nhóm.

Phản biện là để bổ sung kiến thức, không phải mạt sát lẫn nhau. Thay vì sa đà vào những cuộc công kích các nhân, hãy tập trung vào việc lắng nghe các quan điểm khác và cùng nhau tìm ra chân lý. Theo Diễn giả Áo Dài Võ Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Nhà sáng lập dự án Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN, chuyên gia khách mời tại nhiều chương trình khởi nghiệp cho Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM VOH, BPTV và nhiều trường Đại học,… cho biết: “Không nhất thiết phải luôn có người đúng – kẻ sai trong khi tranh biện. Mục tiêu của tranh biện không phải để tìm ra người chiến thắng, mà nhằm tìm ra cái mới, cái hữu ích”.

Bảo vệ quan điểm của mình bằng cách gay gắt bắt lỗi người khác thường dẫn đến xung đột

 Chiến thắng và hạ bệ 

Cốt lõi của Kỹ năng phản biện không đơn thuần là tính logic và lý lẽ. Nhiều người lầm tưởng mục đích cuối cùng của việc sử dụng tư duy phản biện là tạo ra phán xét thắng – thua để tâng bốc “cái tôi” cao cả của mình. Thực chất, đó là tư duy chủ quan và chỉ đơn thuần tạo cảm giác thỏa mãn khi hạ bệ người khác. 

Khi các vấn đề được giải quyết bằng niềm tin, lý lẽ cá nhân có thể dẫn đến cách lập luận thiên lệch và mong muốn áp đặt lên người đối diện. Trường hợp này thường xảy ra phổ biến trong các cuộc tranh luận giữa cha mẹ – con cái. Bậc phụ huynh thường lấy vai vế, quyền hành để áp đảo ý kiến của con cái vì họ muốn thể hiện sự kiểm soát trong gia đình. Ngược lại, khi không được công nhận quan điểm của mình, con cái sẽ có thiên hướng phản kháng kịch liệt để giành phần thắng.

Đây không được coi là hình thức phản biện hiệu quả mà còn làm rạn nứt tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào việc thảo luận một cách lịch sự và tôn trọng để tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh. Khi hai bên đều  lắng nghe ý kiến của đối phương và diễn đạt quan điểm của mình một cách tử tế, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình sẽ được củng cố một cách sâu sắc.

Tranh luận không nhằm mục tiêu chiến thắng hay hạ bệ mà là cùng nhau tiệm cận gần hơn tới bản chất vấn đề, từ đó tạo ra một môi trường thú vị và hữu ích để trao đổi và xây dựng ý kiến. Để cải thiện điều này, chúng ta cần mở rộng suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ. Qua đó, chúng ta có thể mở rộng kiến thức, đánh giá lại quan điểm của mình và tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề đang được tranh luận. 

Thành tích khi tranh luận có ý nghĩa không khi nó làm mối quan hệ trở nên tệ đi?

Chỉ dùng cho học tập và thi thố 

Tư duy phản biện được biết đến rộng rãi như một công cụ thiết yếu giúp người học nâng khả năng tiếp nhận, giải quyết thông tin bằng nhiều phương thức. Nếu chỉ tập trung trau dồi tư duy phản biện trong việc học tập và thi cử, chúng ta có thể bỏ qua những cơ hội nhìn nhận và phát triển bản thân. Từ đó có thể gặp khó khăn khi áp dụng nó trong đời sống thực tế. 

Hiện nay có rất nhiều cuộc thi phản biện ‘viral’ trên các trang mạng xã hội với những màn tranh luận sôi nổi. Tranh biện thực chất chỉ là một trong số các hình thức để thể hiện ra bên ngoài, với người khác về tư duy phản biện của bản thân. Trong các cuộc thi tranh biện, nếu chỉ dừng lại ở mục đích giành chiến thắng hay tạo ấn tượng, các thí sinh sẽ bỏ lỡ cơ hội ứng dụng tư duy phản biện vào thực tế, khiến cho giá trị của cuộc thi trở nên hạn chế và không thực sự bền vững. Do đó, tư duy phản biện không chỉ là một kỹ năng quan trọng trong cuộc thi mà còn là một lối sống cần áp dụng mọi lúc mọi nơi. 

Trong thời đại chuyển mình 4.0, tư duy phản biện không còn là một lợi thế cạnh tranh mà đã trở thành yếu tố cần thiết trong công việc, nhất là những vị trí đòi hỏi tính nghiên cứu, sáng tạo và khả năng phân tích. Sống trong xã hội bao vây bởi tin tức, internet, việc lọc, xử lý và phân tích thông tin hiệu quả là cấp thiết hơn bao giờ. Sở hữu khả năng tư duy tốt và giải quyết vấn đề một cách hệ thống là tài sản quý giá giúp bạn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Rèn luyện tư duy phản biện là một quá trình liên tục và cần có hệ thống. Bằng cách hiểu rõ nguồn gốc và bản chất thực sự của tư duy này, chúng ta có thể xóa bỏ những rào cản khi luyện tập phản biện. Hãy mở rộng tâm hồn và cảm nhận sâu hơn về mọi thứ xung quanh để từ đó tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Du Thư

Bình luận của bạn