Tại sao Đại học luôn yêu cầu sinh viên phải thuyết trình?

08-03-2023

Thuyết trình là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi đi làm. Những ai có kỹ năng thuyết trình tốt sẽ thuận lợi hơn trong công việc, trở thành nhân viên nổi trội. Chính vì thế, giảng viên ở đại học luôn mong muốn sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thuyết trình để chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này.

 

 

Có rất nhiều lý do khiến việc thuyết trình được rất nhiều giảng viên đại học ưa chuộng. Gorick Ng – chuyên gia cố vấn nghề nghiệp của đại học Harvard cho biết: “Ngay cả khi không nhìn vào danh sách công việc cụ thể, chúng ta cũng có thể hình dung được một nhóm kỹ năng mềm mà mọi CV cần phải có như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề,…”. Theo kết quả của một cuộc khảo sát, có tới hơn 70% người đi làm đồng ý về tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình đối với thành công của họ trong công việc. Vì thế, việc sinh viên chuẩn bị kỹ năng thuyết trình ngay từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường là việc vô cùng cần thiết. Quan trọng nhất chính là khi thuyết trình, sinh viên sẽ chủ động tìm hiểu kiến thức, thậm chí tìm hiểu rất kỹ, vì mình phải hiểu rõ kiến thức thì mới tự tin thuyết trình trước lớp được. Việc đứng trước lớp thể hiện kiến thức của mình với cả lớp vô hình chung tạo áp lực cho các bạn sinh viên đầu tư thật kỹ cho phần trình bày của mình. Chính điều này sẽ giúp sinh viên nắm vững chuyên môn hơn, ghi nhớ lâu hơn và hơn hết là thấu hiểu để biết cách ứng dụng chúng vào thực tế.

Thông qua việc thuyết trình ở đại học, sinh viên sẽ dần được làm quen với cách soạn nội dung, tóm tắt kiến thức, trình bày nội dung sao cho ngắn gọn, truyền tải thông điệp sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu và tự tin giao tiếp trước đám đông. Bởi theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Học viện kỹ năng VTALK, nhận định: “Thuyết trình là cách diễn đạt và bảo vệ quan điểm của chính mình”. Việc luyện tập thuyết trình trên giảng đường đại học là cơ hội để sinh viên học được cách trình bày suy nghĩ của mình cũng như phát triển tư duy phản biện để chứng minh quan điểm của bản thân. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá một nhân viên nổi bật trong công ty cũng như trong thị trường lao động. 

Qua kỹ năng thuyết trình, sinh viên sẽ tìm thấy phong cách, lời nói cử chỉ cũng như sự tự tin khi đứng trước đám đông. Nhờ vậy, việc giao tiếp cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là đòn bẩy quan trọng cho con đường thăng tiến sau này của mỗi sinh viên nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Một người có khả năng trình bày quan điểm của mình trước đám đông không chỉ nhận được sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh mà thông qua đó còn gia tăng thêm sự uy tín cho lời nói, quan điểm và suy nghĩ của họ. Hình tượng cá nhân cũng từ đó mà tăng cao, là điểm quan trọng để thu hút thêm nhiều cơ hội mới trong cuộc sống. 

 

 

Một người có khả năng trình bày quan điểm của mình trước đám đông nhận được sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh.

 

Thuyết trình ở đại học có khó không?

Đối với câu hỏi “Thuyết trình ở đại học có khó không?”, câu trả lời là không dễ, nhưng vẫn nằm trong khả năng của sinh viên. Tức là nếu như lơ là, làm bài thuyết trình một cách thiếu cẩn thận, thì khả năng cao sẽ ra một kết quả khá tệ và tất nhiên sẽ bị giảng viên chấm điểm thấp. Còn nếu sinh viên tập trung, cố gắng, dành nhiều thời gian, công sức để đầu tư cho bài làm, thì vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thuyết trình. Tất nhiên không ai tự dưng thuyết trình giỏi ngay từ đầu, chắc chắn các bạn sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và chưa hoàn thành bài thuyết trình một cách chỉn chu, nhưng dần dần sau nhiều lần luyện tập, các bạn sẽ có sự tiến bộ và nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân.

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm thuyết trình ở đại học, các bạn sinh viên chắc chắn sẽ cực kỳ run, thậm chí là lo lắng và quên hết phần trình bày đã chuẩn bị trước đó, vì vừa bị áp lực khi phải thuyết trình trước lớp, lại vừa áp lực không biết bài trình bày của mình có tốt chưa, có khiến giảng viên hài lòng không… Đây cũng là tình trạng tâm lý thường thấy không chỉ ở sinh viên mà còn ở những người mới bắt đầu thuyết trình trước đám đông. Nhưng những điều này thông qua việc học hỏi, luyện tập và rút kinh nghiệm, sinh viên có thể cải thiện được và đại học là môi trường thuận lợi nhất để sinh viên trau dồi cho bản thân. 

Để giúp sinh viên thuận lợi hơn trong việc đạt điểm cao ở các bài thuyết trình, có một số lưu ý mà các bạn nên chuẩn bị trước để bản thân cảm thấy tự tin hơn với phần trình bày của mình. Đầu tiên, các bạn nên lựa chọn đề tài thuyết trình phù hợp cũng như nghiên cứu, chuẩn bị nội dung thuyết trình kỹ lưỡng. Việc luyện tập thuyết trình nhiều lần để trình bày lưu loát và sinh động; học hỏi các bí quyết để có phong thái trình bày thu hút, hấp dẫn là bước vô cùng quan trọng để bài nói trở nên thuyết phục người nghe hơn. Đồng thời, sinh viên phải lường trước các tình huống bất ngờ và những câu hỏi có thể gặp phải để khi xảy ra, sinh viên sẽ bình tĩnh để xử lý, tránh tình trạng bối rối và đánh mất bản thân, quên hết những nội dung mình đã chuẩn bị. 

Không chỉ trong bài thuyết trình, mà trong suốt quá trình học tập của mình, sinh viên cũng cần phải luôn đề cao tinh thần chăm chỉ, tập trung, cố gắng như thế, thì mới đạt kết quả tốt sau 4 năm đại học và đạt xếp loại tốt nghiệp như mong muốn. Cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ nhiều hơn rất nhiều nếu sinh viên hiểu được sức ảnh hưởng của những kỹ năng mềm mà ra sức rèn luyện cũng như trau dồi trong thời gian sớm nhất có thể. 

 

Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh

Bình luận của bạn