Chuyện thuyết trình: Công cụ thể hiện quan điểm bản thân, ghi nhớ kiến thức và rèn luyện sự tự tin khi truyền tải thông điệp

01-12-2022

Không phải đứng trên sân khấu độc diễn thao thao bất tuyệt về một chủ đề nào đó mới được gọi là thuyết trình. Về bản chất, thuyết trình là khả năng trình bày một cách có hệ thống và rõ ràng một vấn đề trước mọi người.

Cùng với sự phát triển của xã hội, việc trình bày ý kiến trước đám đông đang ngày càng được chú trọng. Nếu như trước đây thuyết trình chỉ len lỏi vào đời sống tại những môi trường công sở chuyên nghiệp, hay những cuộc thi nổi tiếng, thì giờ đây, thuyết trình đang ngày càng được chú trọng và trở thành một phần không thể thiếu của chương trình sách giáo khoa mới. Điều này đã và đang hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên cho Kỹ năng thuyết trình, mà theo ông Nguyễn Trung Quân – Giám đốc Đối ngoại Học viện VTALK: “Giao tiếp – Thuyết trình là một trong bốn kỹ năng của thời đại”.

Bản chất của Thuyết trình

Trước đây, khi nhắc đến thuyết trình, đại đa số chúng ta đều nghĩ đến hình ảnh của những diễn giả mặc vest sang trọng, với đôi giày tây láng bóng, tóc chải keo vuốt ngược lên và kỹ năng nói chuyện vô cùng lưu loát. Tuy nhiên, thuyết trình mặc nhiên không phải chỉ là thứ hình thức hào hoa như vậy. Thuyết trình là phần trình diễn bằng tất cả các giác quan nhằm thuyết phục bộ não người nghe.

Theo Học viện Kỹ năng VTALK, định nghĩa thuyết trình là các hình thức trình bày một vấn đề, quan điểm, tư tưởng, kiến thức… một cách có hệ thống, rõ ràng, thuyết phục trước một hay nhiều người. Chính vì vậy, thuyết trình nên được hiểu theo một nghĩa rộng hơn là mọi hành động trình bày một vấn đề nào đó, bằng cách này hay cách khác, không nhất thiết phải đứng trên sân khấu và có quá nhiều người nghe thì mới được gọi là thuyết trình.

Kỹ năng thuyết trình ở thời nay là những gì hết sức bình dị, như kể về một loài hoa, giảng giải một bài toán, phân tích một tác phẩm văn chương thì đều được gọi là các hình thức khác nhau của thuyết trình.

Cách vận dụng kỹ năng thuyết trình vào học tập để đạt kết quả cao

Đối với hệ thống chương trình giáo dục mới, thuyết trình ngày càng trở nên quan trọng và trở thành một trong những cách đánh giá năng lực của học sinh. Qua đó, học sinh có thể trình bày quan điểm của mình bằng cách diễn đạt bằng lời thay vì ghi ra giấy như trước đây. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi thực tế cho thấy, hầu hết các công việc ở mọi chức vụ trong tương lai đều đòi hỏi mỗi người buộc phải có kỹ năng truyền tải và bảo vệ quan điểm của mình.

Vì vậy, để rèn luyện và không lãng phí cơ hội thực hành trong quá trình học tập, mỗi học sinh cần học cách chủ động tham gia vào quá trình diễn đạt này. Thuyết trình có thể được luyện tập ở đây thông qua việc kiểm tra bài cũ, làm việc nhóm hay đơn giản hơn là kỹ năng phát biểu xây dựng bài.

Lấy ví dụ, thay vì học sinh chỉ đọc thuộc lại nội dung câu hỏi của giáo viên khi được gọi lên bảng, hãy hệ thống hóa kiến thức đó thành một câu chuyện, hoặc sắp xếp thứ tự của nội dung đó một cách logic, làm sao cho ngay cả một người mới chưa từng học qua cũng hiểu được nội dung tổng quát của toàn bài. Việc làm này mặc dù không có trên khung đánh giá cho điểm, lại khá tốn thời gian – nhưng chắc chắn sẽ giúp các học sinh đạt thành tích cao hơn nhờ khả năng trình bày của mình.

Để luyện tập, mỗi học sinh có thể sắp xếp lại nội dung và bố cục của bài học, sau đó giảng dạy lại cho bạn bè, hoặc bố mẹ, người thân của mình nghe. Từ đó, ngoài việc có thể được thêm điểm nhờ thuyết trình, đòi hỏi học sinh cũng phải ghi nhớ bài tốt hơn (để trình bày) và có kiến thức sâu rộng hơn, tự tin hơn.

Truyền tải cho người khác là cách để ghi nhớ kiến thức hiệu quả nhất.

Thuyết trình giỏi là phải áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày

Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Founder & CEO Học viện Kỹ năng VTALK: “Thuyết trình không phải là một nghề nghiệp, thuyết trình phải là công cụ thường trực trong cuộc sống hàng ngày”. Để vận dụng thành thạo kỹ năng thuyết trình, trước hết, cần thay đổi hệ thống tư tưởng và xem thuyết trình như một điều hiển nhiên phải sử dụng liên tục.

Nhờ vào việc thuyết trình giỏi, các bạn trẻ có thể thể hiện quan điểm và bảo vệ chính kiến của mình tốt hơn. Đồng thời, tăng khả năng thuyết phục bố mẹ tôn trọng quan điểm của mình, và tạo cho người lớn một sự tin tưởng nhất định.

Đặc điểm của bố mẹ Việt là rất thương con nhưng lại thường bao bọc quá lâu, dẫn đến trẻ lúc nào cũng bé nhỏ trong mắt bố mẹ. Chính vì vậy, khi trẻ có khả năng bộc bạch và bảo vệ được những quan điểm cá nhân, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ có góc nhìn khác hẳn về con cái của mình.

Cũng theo ông Nam: “Chúng ta có thể rèn luyện khả năng thuyết trình bằng cách tự tạo sự tò mò cho mình với những sự vật, hiện tượng xung quanh và sau đó truyền đạt với người khác. Ví dụ khi ăn Phở, hãy tự đặt ra câu hỏi “Cách làm tương ớt như thế nào? Rau thơm có tác dụng gì? Phở Bắc khác gì Phở Nam”. Sau đó, hãy tìm kiếm thật nhiều thông tin cho các câu hỏi, tóm gọn nội dung, sắp xếp một cách có logic, dễ hiểu, thú vị, hấp dẫn và dùng nó làm đề tài cho những bữa ăn Phở tiếp theo. Bản chất của việc truyền đạt lại kiến thức dưới dạng thuyết trình rất hiệu quả, nó giúp người nói nhớ lâu hơn và tạo những ấn tượng khó phai”.

Thật ra, quá trình giao tiếp là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy cũng với những câu trò chuyện đơn thuần, hãy dùng thuyết trình làm công cụ để thể hiện quan điểm bản thân, ghi nhớ kiến thức lâu hơn và rèn luyện sự tự tin khi truyền tải thông điệp.

Bình luận của bạn